Ngày xưa, khi chưa có đèn điện, nến là dụng cụ thắp sáng quen thuộc của con người. Theo thời gian, ngoài công dụng đó, nến còn được dùng như một vật trang trí hay giúp tạo không gian cho con người thư giãn, hẹn hò, trò truyện…
Nến (đèn cầy) là một khối nhiên liệu (thường là sáp) ở thể rắn bao quanh một sợi bấc nến. Sợi bấc được thắp lên để cung cấp ánh sáng và đôi khi để cung cấp nhiệt năng. Ngày nay, phần lớn nến được làm từ parafin. Nến cũng có thể được làm từ sáp ong, đậu tương và một số loại sáp thực vật và mỡ động vật (một sản phẩm phụ của sự kết xuất chất béo thịt bò).
Hiện nay, có rất nhiều loại nến với màu sắc và hình dạng phong phú khác nhau. Hay gọi cách khác là nến nghệ thuật. Chẳng hạn như nến hình bánh kem, nến hình trái cây, nến hình con thú… Tuy nhiên, có một yếu tố giữ vững và không bao giờ thay đổi là bấc nến luôn được đặt ở chính giữa, dù ở hình dạng nào. Yếu tố này là không thay đổi.
1. Nến tinh dầu
* Nguyên vật liệu:
– Sáp parafin (sáp có màu trắng đục) hay còn gọi là phôi nến.
– Lọ thủy tinh nhỏ đựng nến.
– Tim nến (loại có đế nến tròn bên dưới).
– Tinh dầu thơm (tùy ý chọn mùi hương).
– Thuốc nhuộm hoặc phẩm màu thực phẩm.
– Dụng cụ: dao, nồi, bếp, bát inox, keo dán.
* Thực hiện:
– Bước 1: nhúng tim nến vào sáp lỏng và để khô để nó cứng cáp như một cái que.
– Bước 2: dán tim nến vào đáy ly bằng cách nhúng đế tim nến vào sáp lỏng rồi hạ áp sát bề mặt vào đáy lọ, chờ khô, nó cũng trở nên cứng và bám dính.
– Bước 3: dùng dao bào nhỏ sáp rồi đun cách thủy chảy hoàn toàn (sáp bào nhỏ tan chảy dễ dàng và nhanh chóng) giảm lửa ở nhiệt độ thấp giữ sáp nóng mà không đun sôi.
– Bước 4: lấy ít sáp đã hoá lỏng này cho vào chiếc cốc nhỏ, thêm tinh dầu thơm và thuốc nhuộm màu đỏ vào trộn đều.
– Bước 5: đặt nghiêng chiếc lọ thủy tinh trên chiếc nắp, đổ sáp lỏng đã trộn màu và tinh dầu thơm vào, chỉ đổ một lớp mỏng bên dưới đáy ly để lớp sáp đông cứng lại, nó sẽ có bề mặt hơi nghiêng so với đáy lọ.
– Bước 6: đổ lớp sáp trắng đục lên trên lớp sáp đỏ để đông cứng.
– Bước 7: tương tự, bạn đổ lớp sáp đỏ và lớp sáp trắng bên trên để đông cứng hoàn toàn.
(Trường hợp bạn tạo nhiều lớp màu, nhớ để lớp màu thứ nhất đông lại, cho lên 1 lớp sáp nguyên chất rồi mới thêm lớp màu thứ hai để tạo lớp phân cách không cho hai màu trộn lẫn vào nhau).
– Bước 8: trang trí thêm dây buộc thắt chiếc nơ nhỏ bên ngoài miệng lọ thủy tinh để làm điệu cho cốc nến nhé!
2. Nến bánh cupcake
* Nguyên vật liệu:
– 500g sáp ong.
– 250g sáp nến parafin.
– 1 cuộn dây thừng cotton.
– Chân đế kim loại nhỏ.
– Kìm, kéo, băng dính, súng bắn keo.
– Bình xịt chống dính cho thức ăn.
– Khay nướng cupcake.
– Cốm màu làm thủ công, kim tuyến.
* Thực hiện:
– Bước 1: cắt các đoạn dây thừng sao cho dài hơn phần bánh cupcake (mỗi sợi dài khoảng 8cm).
– Bước 2: dùng súng bắn keo bôi keo lên phần đế kim loại rồi cố định dây thừng vào. Việc này sẽ giúp dây thừng không bị xô lệch khi đổ sáp vào.
– Bước 3: sau khi keo khô, dùng bình xịt chống dính xịt 1 lớp lên toàn bộ khay nướng.
– Bước 4: cho sáp ong vào một nồi lớn, thêm nước xâm xấp rồi đun nóng.
– Bước 5: để phần đế bánh có màu, bạn cho một cây bút màu sáp bạn yêu thích vào nồi sáp ong.
– Bước 6: dùng phới khuấy cho đến khi màu trộn đều nhau.
– Bước 7: sau khi màu đã đều, đổ hỗn hợp vào từng khay cupcake.
– Bước 8: sau khi đổ sáp xong, các bạn cần cố định thẳng phần dây thừng.
– Bước 9: cho sáp nến vụn vào nồi rồi đun lửa vừa cho đến khi sáp chảy ra một phần.
– Bước 10: tạo màu cho phần sáp này bằng việc cho vào một phần bút sáp màu rồi khuấy đều.
– Bước 11: đổ sáp nến lên trên thật khéo sao cho sáp nhô cao lên ở giữa chiếc bánh cupcake. Khi sáp còn chưa khô hẳn, rắc cốm màu và kim tuyến lên trên.
– Bước 12: để sáp nguội và đem nến trưng bày nơi bạn yêu thích.
3. Nến hoa oải hương
* Nguyên vật liệu:
– Sáp đậu nành (loại vụn nhỏ).
– Lọ thủy tinh.
– Bấc nến.
– Tinh dầu thơm (dầu sả, hoa oải hương).
– Hoa oải hương khô.
– Súng bắn keo.
– Que tre nhỏ.
* Thực hiện:
– Bước 1: đặt một đầu bấc nến vào đáy lọ và buộc đầu còn lại vào que tre nhỏ. Đặt que tre nằm ngang để trên miệng lọ giữ cho bấc nến thẳng.
– Bước 2: dùng lò vi sóng hoặc đun cách thủy đến khi sáp nến chảy ra.
– Bước 3: sau khi sáp nến tan chảy hoàn toàn, bỏ hoa oải hương khô cùng tinh dầu hoa oải hương và tinh dầu sả vào, khuấy đều.
– Bước 4: đổ sáp nến đã đun chảy từ từ vào lọ, để khô.
– Bước 5: sau khi nến khô, cắt ngắn tim nến và trang trí theo ý thích là xong.
4. Nến ly trà chanh
* Nguyên vật liệu:
– Sáp nến dạng gel (sáp trong).
– Cốc thủy tinh.
– Màu nhuộm (màu cam).
– Tinh dầu thơm.
– Tim nến (sợi bấc) và đế.
* Thực hiện:
– Bước 1: cắt sáp gel thành từng viên nhỏ giống viên đá.
– Bước 2: dán bấc vào giữa ly. Cho một ít viên sáp trong vào trong ly. Sau đó, nấu chảy phần sáp còn lại rồi đổ vào ly.
– Bước 3: nấu sáp lần 2, có pha một ít màu cam tạo màu nhạt.
– Bước 4: đổ 1 lớp mỏng lên trên lớp sáp trong để tạo màu cam nhẹ.
– Bước 5: đặt thêm vài viên sáp trong nữa vào và tiếp tục đổ sáp lần 3 có pha màu cam đậm kèm với vài giọt tinh dầu thơm.
(Bạn có thể chọn tinh dầu hương cam hoặc chanh để cây nến khi đốt lên có mùi hương giống như đang thưởng thức trà chanh nhé!)
– Bước 6: dùng lửa đốt nhẹ mặt trên những viên đá sáp gel, điều này sẽ tạo hiệu ứng trông như viên đá tan chảy tự nhiên.
– Bước 7: đem trưng bày thành quả trên bàn tiệc để mang lại cảm giác tươi mát nhưng cũng vô cùng ấm cúng trong gia đình bạn nhé!
Minh Lượng/Starpress