.
.

3 thói quen sai sau uống rượu gây tổn thương não, dạ dày và hệ hô hấp


Rất nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc đã xảy ra khi bệnh nhân uống rượu say rồi đi ngủ ngay. Theo cảnh báo của chuyên gia, say rượu và đi ngủ ngay có nguy cơ bị hạ đường huyết, tổn thương não dẫn tới hôn mê sâu và tử vong.
Uống rượu xong đừng ngủ ngay

Rượu kích thích ngủ, gây ngủ, vì vậy sau khi uống rượu thường có cảm giác buồn ngủ và muốn đi ngủ ngay. Việc lên giường ngay sau khi ra khỏi bàn rượu, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo Ths. BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi uống rượu lên giường đi ngủ ngay. Người nhà thường nghĩ đó là việc làm bình thường. Sáng hôm sau bệnh nhân tỉnh dậy sẽ cảm thấy mệt mỏi, không muốn ăn, vài tiếng sau có thể đã hôn mê, chân tay lạnh toát.

giải rượu

Say rượu đi ngủ sẽ rất nguy hiểm.

“Sau khi uống rượu, nếu đi ngủ ngay rất nguy hiểm. Vì sau một đêm dài, bệnh nhân dễ bị hạ đường huyết gây tổn thương não. Đã có rất nhiều trường hợp uống rượu đi ngủ ngay, khi đến bệnh viện đã bị tổn thương nặng, ở não, hôn mê kéo dài và tử vong”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên phân tích.

Một trong những nguy hiểm nữa có thể dẫn tới tử vong ở người uống rượu dễ mắc phải là việc tự ý gây nôn. Việc tự gây nôn trong tình trạng không tỉnh táo có thể bị sặc và ảnh hưởng hệ hô hấp, ngưng thở.

“Có trường hợp nôn nên bị sặc, thức ăn rơi vào đường thở gây viêm phổi, suy hô hấp. Khi bệnh nhân tới viện trong tình trạng cấp cứu hồi sức và điều trị kéo dài”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.

Bệnh nhân khi say rượu thường được người nhà vội vàng pha nước chanh hay nước có vị chua cho uống là một lỗi sai không ít người mắc phải.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho hay: “Chất chua của chanh kết hợp với lượng rượu có trong người bệnh nhân dễ gây ra tình trạng buồn nôn và tổn thương dạ dày do có axit. Khi say, thay vì uống chanh hãy cho bệnh nhân uống nước đường, mật ong, nước canh…”

Khi nào được coi là ngộ độ rượu

Khi uống rượu, các tầng thần kinh bị ức chế, gây ra hiện tượng thoát ức chế kích thích hưng cảm. Trong đó, biểu hiện là người uống rượu sẽ nói nhiều, thích bày tỏ, thậm chí mất kiểm soát.

Khi uống ít, bệnh nhân nói nhiều là bình thường, khi mất đi thăng bằng và không kiểm soát được bản thân đã là nguy hiểm.

“Người bị ngộ độc rượu có triệu chứng: nhịp thở yếu, không biết người thân hoặc được gọi nhưng không biết để trả lời, chân và tay đều lạnh… bệnh nhân không tỉnh có xu hướng nói không rõ ràng, người nhà cần cho bệnh nhân nằm nghiêng bên phải và đưa đến bệnh viện nếu nặng”,  bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên,  ngộ độc ethanol là dạng ngộ độc phổ biến nhất. Bệnh nhân khi bị ngộ độc ethanol, trường hợp nhẹ sẽ phấn chấn, nói nhiều, không làm chủ được bản thân. Ngộ độc ở mức độ nặng gây tụt huyết áp, loạn nhịp tim, thở yếu, có thể ngừng thở, chảy máu dạ dày…

Bệnh nhân ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) ít gặp hơn nhưng đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Ngộ độc rượu methanol rất nguy hiểm, ở mức nhẹ có thể ảnh hưởng tới thị lực. Người bị ngộ độc nặng ảnh hưởng tới thần kinh (dễ gây di chứng cho não nếu không được giải độc kịp thời), tim mạch, huyết áp, thận và thậm chí… là tử vong

“Methanol ở các nước phát triển dùng là dung môi để lau chùi vết bẩn. Nhưng ở Việt Nam vì lợi nhuận người ta dùng methanol ẩn vào rượu trắng không rõ nguồn gốc. Sau khi, uống 2 ngày, bệnh nhân sẽ thấy mờ mắt, tổn thương não, hôn mê, tụt huyết áp. Bệnh nhân tới viện muộn có thể tử vong, trường hợp không tử vong có thể để lại di chứng mù mắt”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.

Xử lý đúng cách khi bị say rượu

Để người bệnh nằm đầu kê cao và nghiêng sang một bên, nên để bệnh nhân nằm nghiêng bên phải. Nằm nghiêng có tác dụng dẫn đờm dãi ra ngoài, hạn chế nguy cơ hít vào phổi (nhất là trong trường hợp bệnh nhân nôn). Đây được cho là tư thế an toàn với người say. Cứ khoảng vài tiếng nên đánh thức bệnh nhân dậy. Bệnh nhân tỉnh táo có thể ăn được nên cho ăn cháo loãng.

Theo Emđẹp.vn



Bài viết cùng chuyên mục