Theo các chuyên gia y tế, thói quen ăn rau sống không rửa sạch tại các quán ven đường dẫn đến nguy cơ mắc vi khuẩn Hp. Vi khuẩn Hp không chỉ gây viêm loét dạ dày mà còn là nguyên nhân dẫn đến ung thư.
Sau bữa ăn, anh Kiều Quốc Anh (32 tuổi, Hà Nội) thấy xuất hiện triệu chứng buồn nôn, mệt mỏi và đau bụng. Tuy nhiên, anh Quốc Anh chỉ nghĩ đơn giản do ngộ độc thực phẩm hay ăn đồ lạnh vào mùa đông.
Anh điều trị tại nhà được 2 ngày, thấy xuất hiện thêm triệu chứng đại tiện phân đen, đau bụng và nôn ra máu. Ngay sau đó, anh Quốc Anh được người nhà đưa tới bệnh viện cấp cứu. Qua các xét nghiệm cho thấy, trong dạ dày của anh Quốc Anh có xuất hiện sùi loét nghi ngờ có tế bào ung thư.
Anh Quốc Anh chia sẻ với bác sĩ, do gia đình có tiền sử bị dạ dày cho nên anh ăn uống rất kiêng khem, rất ít khi ăn đồ cay nóng, chất kích thích, ít uống rượu bia… Tuy nhiên, anh lại có thói quen thích ăn đồ tái và ăn rau sống.
PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật – chuyên gia đầu ngành về sinh hóa cho biết: “90% bệnh nhân ung thư dạ dày có vi khuẩn Hp, còn lại do một số tác nhân khác. Thói quen ăn rau sống, đặc biệt rau sống không được rửa sạch hay rau được trồng, chăm sóc bằng phân động vật có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Hp. Ngay cả người có thói quen thích ăn đồ tái cũng dễ nhiễm loại vi khuẩn này”.
Theo chuyên gia Nghiêm Luật, không phải nhiễm chủng vi khuẩn Hp nào cũng bị ung thư dạ dày. Bởi vì, vi khuẩn Hp có nhiều chủng khác nhau, chủng mang gen (CagA và VacA) có độc lực cao gây ra viêm nhiễm và biến đổi nặng, làm tổn thương niêm mạc dạ dày dẫn đến nguy cơ ung thư.
Chuyên gia này phân tích, vi khuẩn Hp lây chủ yếu qua đường ăn uống (phân – miệng) hoặc lây trực tiếp (miệng – miệng) qua tiếp xúc nước bọt.
Trước đây, bác sĩ Nguyễn Nghiêm Luật đã từng gặp trường hợp của gia đình (bố, mẹ, con) đều bị lây nhiễm vi khuẩn Hp và bị viêm dạ dày. Khả năng vi khuẩn Hp có thể sống trong nhiều môi trường khác nhau nên nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, trong gia đình chỉ cần có một người có Hp, việc cả nhà bị nhiễm theo là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
90% bệnh nhân ung thư dạ dày có vi khuẩn Hp
Nhiễm vi khuẩn Hp có thể gây ra nhiễm trùng kéo dài (cuộc sống vẫn bình thường), nhưng khi vi khuẩn này kết hợp với các điều kiện khác như khó tiêu (rối loạn tiêu hóa) dễ gây ra loét dạ dày.
Người nhiễm vi khuẩn Hp rất dễ bị tái nhiễm nhiều lần. Vì vậy bệnh nhân cần tuân thủ dùng thuốc và theo phác đồ của bác sĩ.
“Hiện nay, chưa có vắc xin để ngăn ngừa vi khuẩn Hp, nên cách phòng ngừa là ăn sạch, uống sạch, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Trong trường hợp đã bị nhiễm vi khuẩn Hp cần phải được điều trị sớm và đúng cách”, PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật nói.
Nói về phương pháp xét nghiệm tìm vi khuẩn Hp, PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật cho hay: “Hiện nay, có 7 phương pháp xét nghiệm Hp, trong đó phương pháp hiện đại nhất là test hơi thở dùng Urea C13 (cacbon không gây độc với phụ nữ có thai và người già). Độ nhạy của phương pháp này đạt từ 99,9-100%. Phương pháp xét nghiệm Urea C13, test hơi thở là phương pháp phát hiện ra vi khuẩn ít xâm lấn. Xét nghiệm này chỉ mất 15 phút sẽ biết ngay kết quả, chi phí khoảng 500.000đ”.
Chủng vi khuẩn Hp độc tố cao
VacA (vacuolating cytoxin VacA) độc tố tạo không bào: Là ngoại độc tố chính của vi khuẩn, độc tố gắn vào màng tế bào biểu mô. Tạo thành một kênh phụ thuộc điện thế chọn lọc anion hexameric gây không bào biểu mô dạ dày làm ức chế sự hoạt hóa năng lượng, làm tổn thương chu trình tế bào.
CagA gen (cytotoxine associated gen A): Là gen chỉ điểm cho đoạn DNA 40kb tương ứng với 25 gen gọi là đảo sinh bệnh, gây tổn thương tế bào và thường phối hợp với loét và ung thư dạ dày.
Theo Sức khỏe và đời sống