‘Nhà thờ xương’ Sedlec tại Cộng hòa Séc từ lâu đã trở nên nổi tiếng bởi cách trang trí bằng xương người, nhắc nhở đối với chúng ta rằng cái chết là điều không thể tránh khỏi.
Nhà để hài cốt Sedlec tại Cộng hòa Séc hiện lữu giữ khoảng 40.000-70.000 bộ hài cốt của những người đã chết vì bệnh dịch trong khoảng năm 1318 và cuộc chiến Hussite ở thế kỷ 15.
Đến nay Sedlec được mệnh danh là “Nhà thờ xương” với kiến trúc bên trong được làm hoàn toàn bằng xương người. Những bộ hài cốt sau khi được khai quật đã bị tẩy trắng, sắp xếp thành nhiều đống, tạo hình kì dị thành những đèn chùm, chén thánh hoặc thậm chí là cả gia huy.
Nhà thờ Sedlec hiện đang lữu giữ khoảng 40.000 – 70.000 bộ hài cốt.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1278, khi vị giáo sỹ đứng đầu tu viện ở Sedlec, một thị trấn nằm cách thủ đô Prague 80 km về phía đông, có một chuyến hành hương về Jerusalem.
Ông đã lấy một ít đất nơi Chúa Jesus bị đóng đinh câu rút, và khi trở về, ông rắc ra khắp nghĩa trang của nhà thờ địa phương.
Tin về ‘đất thiêng’ lan truyền khắp nơi, khiến nghĩa trang tu viện trở thành một trong những nơi mà mọi người muốn được chôn cất nhất.
Đến thế kỷ 14, Đại dịch Cái chết đen gây ra bởi dịch hạch bùng nổ khắp Châu Âu giết chết hàng trăm triệu người. Và nghĩa trang Nhà thờ xương Sedlec lại tiếp nhận thêm khoảng 30.000 người chết.
Một thế kỷ nữa trôi qua, cuộc chiến tôn giáo Hussite, hay còn gọi là cuộc chiến Bohemian nổ ra, giết chết thêm hàng chục nghìn người, tất cả lại được chôn cất tại đây. Cuối thế kỷ 15, nghĩa trang Sedlec bị đóng cửa hoàn toàn.
Một thời gian sau hàng chục nghìn bộ hài cốt được khai quật để nhường chỗ xây nhà thờ ngay trên khu nghĩa trang linh thiêng. Những đầu lâu của người chết được chất đống thành hình kim tự tháp, đặt bên trong nhà thờ mới.
Chúng nằm tại đó cho tới năm 1870, khi một nhà điêu khắc gỗ có tên Frantisek Rint được giao nhiệm vụ sắp xếp những bộ hài cốt này thành nội thất trang trí nhà thờ.
Frantisek đã biến đống xương cốt hàng trăm năm tuổi thành những đồ vật đẹp đẽ nhưng không kém phần kỳ quái kinh dị.
Ông xâu chuỗi đầu lâu, các đoạn xương để làm thành chiếc đèn chùm 7 nhánh đặt ngay giữa khu nhà nguyện. Cửa vào nhà thờ cũng được trang trí bằng tấm màn xương. Chiếc cốc thánh được Frantisek tạo ra bằng các đoạn xương hông, xương đùi. Trên tường của nhà thờ, Frantisek ghép xương thành biểu tượng gia huy dòng họ Schwarzenberg. Đây là gia đình đã thuê Frantisek thực hiện nhiệm vụ này.
Trên thực tế, Sedlec không phải là ‘Nhà thờ xương’ duy nhất tồn tại trên thế giới. Ngay dưới lòng đất Paris là hầm mộ nổi tiếng có chiều dài 300km2, sâu tới 60m, là nơi lưu giữ của 6 triệu bộ hài cốt người dân kinh đô ánh sáng trong lịch sử. Hoặc ngay trong lãnh thổ Cộng hòa Séc còn có Nhà hài cốt Brno đang chứa tới 50.000 bộ xương.
Theo Đăng Nguyên
Ngaynay