Nói một cách tương đối, có thể phân biệt đối tượng có nhu cầu giảm cân vào 2 nhóm.– Tuy không bệnh nhưng cần giảm cân để có ngoại hình thon đẹp, để tự tin hơn khi giao tế. Nhóm này tất nhiên không nên áp dụng biện pháp kiêng khem thái quá nếu chưa thực sự thừa cân để tránh trường hợp suy… dinh dưỡng. – Phải giảm cân vì nếu không bệnh trở nặng hơn, như trong trường hợp của người bị tiểu đường, cao huyết áp, suy tim, thoái hóa khớp, ung thư… Nhóm này đương nhiên cần giảm cân để tránh áp lực trên tim, gan, thận, khớp…, đồng thời để thuốc đặc hiệu uống vào đừng mất tác dụng do bị phá bĩnh vì rối loạn biến dưỡng chất béo. Người muốn giảm cân mười người hết chín muốn giảm cho nhanh. Điều này hợp tình vì mấy ai kiên nhẫn khi bị chê là xấu, khi lãnh chẩn đoán là bệnh có tiên lượng đen tối nếu tiếp tục thừa cân. Trục trặc chỉ ở chỗ giảm cân nhanh không hề hợp lý trên cơ sở khoa học, thậm chí hại nhiều hơn lợi! Một số thí dụ điển hình: – Giảm cân quá nhanh, nhất là khi gia chủ vì hiểu sai nên nhịn uống, là lý do thường gặp khiến rối loạn nước và điện giải. Tình trạng này rất phổ biến ở người dùng thuốc giảm cân theo kiểu tẩy xổ, lợi tiểu. Hậu quả tất nhiên bất lợi vô cùng nếu người thừa cân đã vướng bệnh tim, bệnh thận. Đừng quên tế bào như cá, thiếu nước thì tế bào tiêu đời! – Giảm cân quá gắt khiến tụt đường huyết và hạ canxi dễ dàng ở người có sẵn rối loạn chức năng tuyến giáp. Đó là lý do tại sao nhiều người nhập viện cấp cứu vì co giật, trụy tim mạch, hạ đường huyết sau vài ngày dùng thuốc theo quảng cáo ngọt xớt. Tuyến thượng thận, cơ quan đứng mũi chịu sào trong những tình huống ngặt nghèo, khi đó cũng phản ứng sai lệch. Hậu quả là tuy có thể giảm cân nhanh lúc đầu nhưng sau đó lại tăng cân nhiều hơn trước! Thống kê của các hãng bảo hiểm y tế ở CHLB Đức, nơi thầy thuốc từ cả chục năm nay đã tuyên chiến với béo phì, cho thấy không dưới 80% người giảm cân quá nhanh tăng cân trở lại trong vòng 2 tuần sau khi ngưng kiêng khem! Trong số đó, 3/4 thậm chí nặng cân hơn trước khi tìm cách làm ốm. Hiện tượng được thầy thuốc đặt tên là “hiệu ứng jojo” chính là cú hích khiến tế bào nhanh chân thành tế bào mỡ trắng nhiều hơn trước, khiến sự thừa cân trước đó sớm thành béo phì, khiến lượng đường huyết, mỡ máu, uric acid trước đó mấp mé ngưỡng bệnh lý vượt qua định mức bình thường để bệnh tiểu đường, huyết áp cao, gút, viêm gan nhiễm mỡ… ung dung vào nhà! Từ nhận thức về tai hại của việc giảm cân quá nhanh, thầy thuốc khắp nơi tán đồng với tiến độ giảm cân hòa hoãn khoảng 1 – 1,5 kg mỗi tuần. Quan trọng không kém là làm sao để gia chủ không cần kiêng khem đến độ đói cồn cào và nhất là hiệu quả của liệu pháp ổn định một cách dài lâu. Thừa cân, béo phì cho thấy các cơ quan giữ nhiệm vụ giải độc và bài tiết như lá gan, trái thận, khung ruột đã mệt nhoài. Đó chính là lý do tại sao nhiều thầy thuốc chọn hoạt chất sinh học tác động trên tế bào mỡ, thay vì siết đầu vào đến độ đói meo, thay vì xả đầu ra đến độ mệt lả nhưng rồi vẫn tiền mất tật mang. Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (Người lao động)
|