.
.

Ẩm thực Tây Bắc, khi đến phải thử


Mùa thu lên Tây Bắc ngắm lúa chín đẹp mê mẩn, lại còn được thư thả thưởng thức các món ngon của người dân bản địa nữa thì còn gì mong ước hơn!

Vào khoảng tháng 9, tháng 10, trên những thửa ruộng bậc thang bắt đầu phủ màu vàng ruộm của lúa chín Tây Bắc. Không khí mát mẻ, trong lành, khung cảnh thiên nhiên đẹp như một bức tranh vẽ cùng với những đặc sản của núi rừng thơm ngon đặc biệt sẽ là một món quà dành tặng bạn khi đến đây.

Pa pỉnh tộp

Pa pỉnh tộp là một món ăn đặc trưng và nổi tiếng của vùng Tây Bắc, trở thành tinh hoa ẩm thực dân tộc Thái. Món ăn này được hiểu là món cá nướng gập, dựa theo hình dáng con cá khi được nướng mà người dân đặt tên như vậy.

Những con cá tươi như cá chép, trôi, trắm… và các loại suối khác được chế biến qua bàn tay khéo léo của phụ nữ Thái trở thành món cá nướng thơm lừng hấp dẫn. Nếu bạn được thưởng thức món ngon này chắc hẳn sẽ bất ngờ với đủ các vị quyện lẫn vào nhau, vị chua, đắng, mặn, ngọt của gia vị càng làm nổi bật hơn vị béo bùi của cá.

Ăn pa pỉnh tộp kèm chút xôi nếp chấm chẩm chéo, với chút rượu ngô cay cay đầu lưỡi sẽ khiến bạn ‘phải lòng’ Tây Bắc ngay.

Xôi ngũ sắc

Nếu có dịp đến Yên Bái chắc chắn bạn phải thử hương vị ngọt ngào không thể quên của món xôi ngũ sắc. Xôi ngũ sắc được làm từ nguyên liệu khá đặc biệt, được chọn lựa kỹ càng, phải chọn được loại nếp ngon thì xôi mới dẻo, thơm (nếp Tú Lệ, hạt to). Để tạo màu cho xôi người ta dùng các loại lá rừng (lá cẩm, củ nghệ, quả gấc…).

Điều thú vị là 5 màu sắc hòa hợp thành tổng thể tượng trưng cho âm dương ngũ hành, nếu xôi màu đỏ là tượng trưng cho khát vọng cuộc sống, xôi tím tượng trưng cho đất đai trù phú, xôi vàng tượng trưng cho ấm no, phồn thịnh, xôi trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng, thủy chung còn xôi xanh tượng trưng cho cảnh sắc tuyệt đẹp của núi rừng đại ngàn Tây Bắc.

Bởi vậy xôi ngũ sắc mê hoặc lòng người không chỉ bởi dẻo thơm từ hạt nếp Tú Lệ mà còn bị lôi cuốn bởi sự hòa quyện màu sắc của nó.

Thắng cố

Thắng cố là món ăn truyền thống của người H’mông vùng Bắc Hà có lịch sử hơn 200 năm. Hiện nay đã trở thành món ăn phổ biến không thể thiếu của các dân tộc vùng Tây Bắc, đặc biệt trong các phiên chợ vùng cao.

Món ăn này được nấu khá đơn giản với nguyên liệu là thịt và nội tạng ngựa, ướp với gia vị truyền thống gồm 12 thứ thảo quả, hoa hồi, quế chi, sản… và các gia vị bí truyền khác. Để thưởng thức thắng cố với hương vị nguyên bản, bạn nên đến những phiên chợ của người H’mông ở Sapa, Mường Khương, nơi mà cách nấu món ăn này chưa bị cải biến nhiều.

Nồi thắng cố thơm lừng, nội tạng ngựa ăn rất giòn, thịt ngựa bùi bùi, ngòn ngọt ăn kèm với các loại rau nhúng như cải mèo, cải ngồng… chấm với loại nước chấm đặc biệt cay cay giúp bạn xua tan đi cái rét ngọt vùng cao. Bởi vậy mới có câu ‘Lên Sapa mà chưa ăn thắng cố của người Mông thì coi như chưa từng đặt chân đến nơi này!’.

Bê chao

Bê chao là một món ăn không thể không thử khi đến Mộc Châu. Để chế biến bê chao thì nguyên liệu cần phải có là bê sữa khoảng một tuần tuổi, có thể làm thành nhiều món như xào lăn, hấp xả, tái chanh tùy khẩu vị.

Bê chao muốn ngon thì cần chao trên lửa to (ngập dầu) để thịt không ngấm mỡ và cần phải ăn khi còn nóng. Miếng bê chao khi vừa ráo mỡ khỏi chảo có vị mềm mềm, ngọt ngọt, rất thơm và ngậy. Gắp một miếng rồi chấm vào bát tương sánh vàng, pha thêm chút gừng băm nhỏ đúng điệu, hoặc có thể chấm cùng muối chanh cũng ngon tuyệt cú mèo!

Nậm pịa

Nậm pịa cũng là một món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Chính vì cái tên cũng như hương vị lạ mà nậm pịa gợi lên cho thực khách bao cảm giác thú vị.

Theo tiếng Thái, ‘nậm’ nghĩa là canh còn ‘pịa’ là chất sền sệt trong ruột non con vật ăn cỏ như trâu, bò, dê. Nguyên liệu chính của món này là nội tạng của con vật đó như cuống tim, dạ dày, gan, ruột non… đem ninh nhừ. Gia vị gồm ớt, tỏi và mắc khén, một gia vị ‘ma thuật’ của núi rừng Tây Bắc.

Nhìn món nậm pịa tuy không được bắt mắt và mùi vị khi nếm thử miếng đầu tiên sẽ không hợp khẩu vị với nhiều người bởi vị đắng, khó ăn nhưng nếu cảm nhận thật kỹ, thật chậm thì món ăn này dễ gây ‘nghiện’. Ăn kèm với những loại rau thơm càng tôn lên hương vị đậm đà của món ăn.

Rêu đá nướng

Rêu đá là đặc sản chỉ có ở vùng Tây Bắc, thường mọc bám vào các gờ đá ở lòng suối. Từ những đám rêu này, người Thái chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn bằng cách xào, hấp, luộc hay nướng.

Sau khi rêu được rũ hết cát sạn cắt thành từng đoạn nhỏ, nêm gia vị hoặc nướng không với các loại lá dong, lá chuối bọc lại nướng trên than hoa hay vùi trong tro nóng đến khi dậy mùi thơm phức. Cũng có thể bọc lá kẹp que nướng cùng cá suối, thịt lợn, thịt gà.

Thưởng thức món rêu đá nướng ngon lịm, mỏng tang, giòn thơm nhâm nhi cùng rượu cần trong tiết trời se lạnh thì hết ý!

Lạp xưởng gác bếp

Lạp xưởng gác bếp là món ăn truyền thống của người Mông, người Thái và một số dân tộc khác vùng Tây Bắc. Tuy ở mỗi vùng, mỗi dân tộc cách làm lạp xưởng có khác nhau nhưng nhìn chung vẫn là loại lạp xưởng làm từ ruột non và thịt lợn.

Khi chế biến, lạp xưởng phải được nhồi thật căng, có độ bóng và không được làm rách ruột non rồi đem đi phơi nắng. Sau khi phơi được 2-3 nắng thì người ta buộc lạp xưởng từng đoạn rồi treo trên gác bếp, được hun dưới than hồng lửa đỏ, phần làm xưởng sẽ được chuyển sang màu cánh gián.

Lạp xưởng gác bếp Tây Bắc có vị thơm ngon béo ngậy đó là vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc và vị béo của mỡ, cứ ăn là nghiền.



Bài viết cùng chuyên mục