.
.

Cách khắc phục triệu chứng chóng mặt sau khi đứng dậy


Hiện tượng chóng mặt khi đứng dậy sau một thời gian ngồi lâu là hệ quả của lưu thông máu kém. Hãy xây dựng các thói quen tốt sau để có một dòng máu khỏe mạnh hơn!

Trong cơ thể chúng ta, máu làm nhiệm vụ rất quan trọng: là dòng vận chuyển khí, chất dinh dưỡng, chất bài tiết và các chất quan trọng khác đến khắp nơi trong cơ thể, đáp ứng nhu cầu sống của các tế bào nói riêng và toàn thân nói chung. Những việc làm dưới đây sẽ giúp cơ thể bạn có một dòng máu được lưu thông tốt, khiến bạn khỏe mạnh mỗi ngày.

1. Tắm từ ngoài rìa cơ thể rồi dần về tim

Đây là một cách tắm khoa học – bạn nên tắm từ phía dưới lên trên. Đầu tiên bạn kì cọ phần chân, sau đó đến phần tay rồi cuối cùng là phần thân. Cách làm này giúp điều hòa máu về tim, máu từ tim lại được bơm đi khắp cơ thể tạo chu kì ổn định, giúp lưu thông máu huyết, thải độc nhanh chóng ra khỏi cơ thể.

Tại sao bạn hay chóng mặt khi đứng dậy và làm sao để khắc phục? - Ảnh 1.

2. Khi cảm thấy chóng mặt, hoa mắt vì mệt mỏi hay vì mất máu đột ngột…

Bạn phải lập tức ngồi xuống ngay. Chóng mặt, hoa mắt là dấu hiệu của việc thiếu máu lên não, khiến hệ thần kinh làm việc kém hiệu quả, dẫn đến thiếu tập trung và ta có cảm giác muốn ngất xỉu. Ngồi trong tư thế ngồi xổm, hoặc ngồi khoanh chân sẽ siết chặt các cơ ở chân, ép vào mạch máu làm cho máu không lưu thông xuống phía dưới được nữa mà dồn về tim và đầu. Cách này giúp khắc phục tình trạng mệt mỏi tức thời. Sau đó, bạn cần phải ăn uống đầy đủ và nghỉ ngơi để hồi sức.

3. Không được thay đổi tư thế quá nhanh

Cụ thể là bạn hoàn toàn không nên đứng phắt dậy khi đang nằm hoặc đang ngồi. Vì lúc đó, máu sẽ nhanh chóng bị tác dụng bởi lực hút trái đất và chảy…một mạch xuống phần phía dưới, làm cho các mạch máu ở đầu thiếu máu cục bộ dẫn đến hoa mắt chóng mặt trong vài giây. Cách tốt nhất được các chuyên gia khuyên thực hiện là khi đang nằm lâu và muốn đứng dậy, đầu tiên bạn cần dựng người ngồi trên mép giường trong chốc lát, sau đó từ từ đứng dậy. Tương tự với khi đang ngồi, từ từ đứng dậy sẽ giúp máu lưu thông chậm rãi, ổn định xuống phía dưới hơn.

Tại sao bạn hay chóng mặt khi đứng dậy và làm sao để khắc phục? - Ảnh 2.

4. Nếu không muốn bị cảm giác tê làm cho khó chịu

Thì bạn nên đặt những bộ phận trên cơ thể ở đúng vị trí. Các mạch máu trong cơ thể chúng ta có cấu tạo các van giúp lưu thông máu ngược dòng khi cơ thể xuôi chiều tự nhiên – phần đầu phía trên cùng và dần xuống cuối cùng là phần chân. Vì thế, nếu để vài bộ phận của cơ thể ngược chiều tự nhiên đó, ví dụ bạn để tay lên ngực khi ngủ, gác chân lên bàn/ghế cao…thì máu không đủ áp lực từ tim để bơm ngược chiều, dần dần làm cho những bộ phận ấy thiếu máu dẫn đến cảm giác tê như bị kim châm vậy.

5. Không uống quá nhiều nước trong một lần uống

Chúng ta vẫn được khuyên uống nhiều nước, nhưng không phải quá nhiều trong một lần uống. Bởi vì sao? Vì rất nhanh sau khi uống, khoảng vài phút, nước sẽ được hấp thu vào dòng máu, làm máu bị loãng. Trong chừng mực nhất định, máu loãng không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Nhưng nếu quá nhiều nước vào trong máu, máu trở nên quá loãng, khiến oxi không được vận chuyển đủ đến các tế bào, CO2 và các chất độc khác vẫn còn “lảng vảng” trong cơ thể, khiến cho các cơ quan hoạt động kém hiệu quả nhiều, thậm chí gây ngất xỉu.

Tại sao bạn hay chóng mặt khi đứng dậy và làm sao để khắc phục? - Ảnh 3.

6. Tập thể dục thường xuyên

Bạn có biết vì sao những vận động viên thể thao, các tay đấu thường có làn da khá đẹp? Đó là vì họ vận động thường xuyên. Khi vận động, dòng máu được tuần hoàn trong cơ thể liên tục. Điều đó rất có ích vì máu sẽ nhanh chóng đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể, đem các chất cần thiết đến chữa lành các vết thương, viêm nhiễm… Do đó, cứ tập thể dục thường xuyên trong một thời gian xem, bạn sẽ thấy cơ thể vô cùng khỏe mạnh, mà da dẻ lại còn hồng hào, căng tràn sức sống hơn.

7. Bổ sung sắt cho cơ thể

Đây là điều rất cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh, đặc biệt với những người bị thiếu máu. Có thể nhận biết thiếu máu qua các triệu chứng như thường xuyên chóng mặt khi vận động nhiều, dễ mệt mỏi, hay ngáp… hoặc bằng cách khám xét ở bệnh viện. Đối với con gái cũng rất dễ bị thiếu máu mỗi khi đến kì đèn đỏ. Việc bổ sung sắt cho cơ thể qua thức ăn: thịt đỏ (thịt bò, dê, cừu…), hải sản (tôm, cua, cá…), trứng, rau xanh đậm (rau ngót, xà lách…), đậu nành, trái cây như dưa hấu, cam… và qua thuốc uống là việc bạn nên làm hàng ngày.

Theo Hạ Nhi / Trí Thức Trẻ


Bài viết cùng chuyên mục