Y học vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu viêm gan do virus, vì vậy cần biết cách chăm sóc và giữ gìn, kiêng khem kỹ lưỡng cho người bệnh viêm gan.
Về dinh dưỡng, bệnh nhân viêm gan nên ăn các loại thực phẩm giàu đạm (thịt cá, trứng, sữa…), đường và vitamin như hoa quả tươi, sữa chua…; giảm tối thiểu các thức ăn có mỡ, kể cả các món xào, rán; kiêng tuyệt đối rượu bia; khi ốm cần phải sử dụng thuốc phải hỏi ý kiến thầy thuốc để bảo đảm rằng loại thuốc đó không gây độc cho gan. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Vì gan là cơ quan có chức năng chính là xử lý và đào thải chất độc cho cơ thể, nên khi bị ngộ độc thực phẩm gan sẽ phải làm việc nhiều hơn, có thể đẩy nhanh thêm quá trình tổn thương ở gan.
Trong thời gian bị bệnh viêm gan virus, người bệnh nên ăn thức ăn nhẹ, dễ tiêu, hạn chế các thực phẩm quá bổ dưỡng, nên ăn ít thịt. Các thực phẩm chính rất thích hợp với bệnh nhân viêm gan virus là bột mì, gạo tẻ, ngô, hạt bo bo, đậu tương, đậu đen, đậu xanh,… nhằm duy trì năng lượng cần thiết (phương thức chế biến có thể làm nấu nhừ, hoặc xay nhuyễn…). Gan bị bệnh thì thường xuất hiện tình trạng thiếu các loại vitamin, do đó nên chú ý bổ sung các loại rau – quả giàu vitamin trong các bữa ăn như: bầu, bí, cà chua, bắp cải, cam, quýt, táo…
Thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, như thịt các loại, trứng gia cầm, hải sản… không thể thiếu, nhưng người bệnh chỉ nên dùng lượng thích hợp (1g/ngày/kg thể trọng), không nên ăn nhiều do gan bị bệnh, chuyển hóa kém gây rối loạn tiêu hóa. Người bệnh không nên ăn nhiều đường và các loại thực phẩm giàu chất ngọt. Nếu ăn nhiều đường, gan không chuyển hóa hết được sẽ làm tăng đường huyết, lâu ngày có thể dẫn đến mắc bệnh đái tháo đường. Nếu người bệnh có cảm giác chán ăn, hoặc không ăn được thì phải duy trì năng lượng cần thiết bằng cách uống thêm đường gluco.
Không nên ăn các loại thức ăn có nhiều dầu, mỡ, các món ăn quay, rán, các loại hạt nhiều chất béo như lạc… các thực phẩm này gây trở ngại đến quá trình chuyển hóa chất béo, làm tích mỡ gan, ảnh hưởng đến chức năng của tế bào gan.
Hạn chế ăn các món cay dễ kích thích như ớt, hồ tiêu, bột cải, tỏi, gừng. Vì những gia vị gây kích thích niêm mạc dạ dày, ruột, hạn chế tiết dịch tiêu hóa, gây chán ăn.
Không uống rượu, bia vì đồ uống có cồn khi chuyển hóa qua gan sẽ làm độc hại trực tiếp đối với gan khiến gan bị tổn hại nặng thêm…
Các virus gây viêm gan lưu hành hiện nay có 6 loại, bao gồm: virut viêm gan A, B, C, D, E, F và G, riêng virus viêm gan F đang được coi là biến thể của virut viêm gan B. Trong các loại virus gây viêm gan thì virus viêm gan B là nguy hiểm nhất vì khả năng lây nhiễm của virus viêm gan B rất cao (gấp 10 lần viêm gan C và 100 lần HIV) và tỷ lệ biến chứng xơ gan, ung thư khá lớn, do virus âm thầm tàn phá tế bào gan. Viêm gan virus là bệnh lây có những biểu hiện kém ăn, buồn nôn, mệt mỏi, gan sưng to, chức năng của gan bị suy giảm, có những trường hợp xuất hiện vàng da. Sau thời kỳ viêm gan cấp tính có một số bệnh chuyển sang viêm gan mạn tính, chức năng của gan có thể tiếp tục bị tổn hại.
(Theo Sức khỏe và đời sống)