.
.

CIEM: Thị trường số cần môi trường phát triển


Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng Chính phủ nên thiết lập môi trường pháp lý cho thị trường số phát triển, cả trong việc cung cấp các dịch vụ internet và đảm bảo các giao dịch thương mại điện tử an toàn.

CIEM đưa ra khuyến cáo trên sau khi tham gia thực hiện nghiên cứu internet, thương mại điện tử và hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tại Việt Nam. Nghiên cứu này được công bố hôm nay, 29-10, do CIEM phối hợp với Viện nghiên cứu và phát triển bền vững vùng và Hiệp hội Thương mại điện tử thực hiện.

Phát biểu tại buổi công bố nghiên cứu trên, ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng CIEM, cho biết kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng internet và công nghệ thông tin là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các DNVVN, nhưng hành lang pháp lý chưa hỗ trợ tốt cho các DNVVN trong việc ứng dụng CNTT, nhất là trong hoạt động thương mại điện tử.

Internet mang lại nhiều cơ hội cho các DNVVN vì nó giúp giảm chi phí giao dịch, mở rộng phạm vi quảng bá. Internet cũng là một phương thức có hiệu quả để các DNVVN tiếp cận thị trường quốc tế, giúp các doanh nghiệp thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa bằng cách giảm thiểu các khâu trung gian. Ngoài ra internet còn đóng vai trò quan trọng trong kết nối doanh nghiệp với mạng lưới sản xuất toàn cầu, ông Chung nói.

Nghiên cứu cũng cho thấy rõ vai trò quan trọng của công nghệ thông tin và internet trong sự thành công của các DNVVN. Các doanh nghiệp nếu có một trang web mạnh sẽ phát triển nhanh gấp đôi so với những doanh nghiệp không có hoặc có nhưng ít hoạt động.

Song tại Việt Nam các tiềm năng của thương mại điện tử (TMĐT) còn chưa được khai thác tối đa bởi còn nhiều hạn chế. Niềm tin của khách hàng vào chất lượng hàng hóa còn thấp do sản phẩm có chất lượng kém hơn so với giới thiệu, phương thức thanh toán còn kém đa dạng, chủ yếu là thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Đáng chú ý, môi trường pháp lý và cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội mặc dù được cải thiện trong thời gian gần đây vẫn là yếu tố cản trở việc ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp. Những vấn đề này đặt ra câu hỏi về hiệu quả của Chính phủ trong việc thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi cho thị trường số phát triển, cả trong việc cung cấp các dịch vụ internet và đảm bảo các giao dịch TMĐT an toàn.

Vân Ly
Theo TBKTSG



Related articles
Bài viết cùng chuyên mục