.
.

Cỏ mực – Cây thuốc dân dã giúp cầm máu, diệt khuẩn và làm đẹp da, tóc!


Cây cỏ mực mọc hoang khắp nơi nhưng lại là dược liệu quý giá và tiện lợi trong việc chữa trị các chứng xuất huyết nội ngoại cũng như tăng cường hệ thống miễn dịch, làm đẹp cho da và tóc.

Cỏ mực hay cỏ nhọ nồi, hàn liên thảo là một loài thực vật có hoa, thuộc họ Cúc (Asteraceae). Cây cỏ, sống một hay nhiều năm, mọc đứng hay mọc bò, cao 30–40 cm. Thân màu lục hoặc đỏ tía, phình lên ở những mấu, có lông cứng. Lá mọc đối, gần như không cuống, mép khía răng rất nhỏ; hai mặt lá có lông. Hoa hình đầu, màu trắng, mọc ở kẽ lá hoặc ngọn thân, gồm hoa cái ở ngoài và hoa lưỡng tính ở giữa. Quả bế dài 3mm, có 2-3 vảy nhỏ, có 3 cạnh, hơi dẹt. Cỏ mực mọc hoang dại và rậm rạp khắp mọi nơi, thường là các đồng cỏ, bụi cây um tùm ở khắp Việt Nam. Cỏ mực đã được dùng rất phổ biến trong y học dân gian tại Ấn độ, Pakistan, Việt Nam, Trung Hoa và các Quốc gia vùng Nam Á.

Cây cỏ mực – dược liệu dân dã mà quý giá.

Cỏ mực sở dĩ có tên như vậy là vì khi vò nát có nước chảy ra như mực đen. Người ta còn gọi nó là cây nhọ nồi vì màu đen ấy. Tên chữ Hán là hạn liên thảo (cây có đài quả như sen). Cỏ mực tính lạnh, vị ngọt chua, không độc, có tác dụng lương huyết (mát huyết), cầm máu, thanh can nhiệt, dưỡng thận âm, làm đen râu tóc. Chủ trị: xuất huyết nội tạng (chảy máu dạ dày, tiêu tiện ra máu, thổ huyết do lao, rong kinh), kiết lỵ, viêm gan mạn, chấn thương sưng tấy lở loét, mẫn ngứa. Kỵ dùng cỏ mực khi có âm hư không có nhiệt, tỳ vị hư hàn tiêu chảy. Ngày nay, vị thuốc này được dùng  nhiều trong điều trị sốt xuất huyết muỗi truyền, ung thư và nhiều bệnh khác.

Theo nghiên cứu trong y học hiện đại, cỏ mực giàu các chất như saponin, tanin, chất đắng, caroten, ancaloit, tinh dầu, vitamin E, vitamin A… Cỏ mực có những tác dụng dược lý như: cầm máu, diệt khuẩn, tiêu viêm, tăng cường miễn dịch, ức chế ung thư, dưỡng da, đen tóc…

Cây cỏ mực có dược tính cầm máu, diệt khuẩn và làm đẹp da, tóc.

Sau đây là một số phương thuốc tham khảo dùng cỏ mực chữa các bệnh như:

Chữa chảy máu mũi (máu cam): dùng 20-25 gr cỏ mực, 20 gr ngó sen, đem sắc (nấu) lấy nước, chia 2 lần dùng hết trong ngày (buổi sáng và chiều). Dùng liên tục khoảng 20 ngày.

Chữa chóng mặt, hoa mắt: dùng cỏ mực 15 gr, vị thuốc sinh địa 15 gr, đem sắc nước chia làm hai lần dùng hết trong ngày. Dùng liên tục 30 ngày. Để chữa râu tóc bạc sớm, tóc rụng người ta cũng dùng bài thuốc như trên.

Chữa ho ra máu: lấy 25 gr cỏ mực, 20 gr vị thuốc bạch cập, 10 gr a giao. Đem cỏ mực và bạch cập sắc lấy nước, cho ra chén, sau đó cho a giao vào trộn đều. Chia ra làm hai lần dùng hết trong ngày, dùng liên tục trong 7 ngày.

Phòng và chữa viêm da: lấy một nắm cỏ mực còn tươi đem rửa sạch, vò nát rồi sát lên chân và tay cho đến khi màu da chuyển sang tím đen nhạt.

Chữa sỏi thận, tiểu ra máu: dùng 25 gr cỏ mực, 15 gr xa tiền thảo, một ít đường trắng vừa đủ. Đem cỏ mực và xa tiền thảo sắc lấy nước. Khi uống rót nước thuốc ra chén, rồi cho thêm đường vào cho dễ uống. Dùng hết lượng trên trong ngày thay cho nước trà và dùng liên tục khoảng 20 ngày.

Hỗ trợ trong điều trị chứng giảm tiểu cầu máudùng 10 gr cỏ mực, 5 gr nhân sâm, một ít gạo tẻ, đường trắng vừa đủ. Nhân sâm cắt thành lát mỏng, hấp chín. Cỏ mực rửa sạch, sắc lấy nước để nấu cháo. Sau khi cháo chín, cho nhân sâm vào, thêm chút đường cho đủ ngọt. Dùng mỗi ngày 1 lần, ăn thay bữa điểm tâm, dùng liên tục trong khoảng 5 ngày.

Tiêu ra máuCỏ mực nướng trên miếng ngói sạch cho khô, tán bột. Mỗi lần dùng 2 chỉ (8g) với nước cơm (Gia tàng kinh nghiệm phương).

Trĩ ra máu: Một nắm cỏ mực để nguyên rễ, giã nhuyễn, cho vào 1 chén rượu nóng, thành dịch đặc vừa uống trong, vừa đắp bã ngoài (Bảo thọ đường phương).

Chảy máu dạ dàyCỏ mực 50 g, bạch cập 25 g, đại táo 4 quả, cam thảo 15g sắc uống, ngày 1 thang chia làm 2 lần.

Vết thương chảy máu ngoài daMột nắm cỏ mực sạch nhai hoặc giã nhuyễn đắp lên vết thương.

Chữa râu tóc bạc sớm: Cỏ mực với lượng tùy dùng, rửa sạch, nấu cô đặc thành cao rồi cho nước gừng, mật ong với lượng vừa phải, cô lại lần nữa. Cho vào lọ, khi dùng lấy 1-2 thìa canh hòa nước đun sôi còn ấm hoặc cho ít rượu gạo để uống. Ngày 2 lần, cao này có tác dụng bổ thận, ích tinh huyết.

Chữa bệnh zona: cỏ mực 20g, kinh giới 20g, thổ phục linh 20g, nam tục đoạn 16g, nam hoàng bá 16g, củ đinh lăng 12g, cam thảo đất 16g, hạ khô thảo 12g, ngân hoa 10g, kê huyết đằng 16g, huyền sâm 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Dùng 3 – 4 ngày là bệnh lui.

Minh Lượng/Starpress



Bài viết cùng chuyên mục