.
.

Đây là khoảng thời gian trong ngày mà cơ thể bạn đốt cháy nhiều calo nhất


Cùng một bữa ăn sáng nhưng sai thời điểm có thể dẫn đến lượng calo tích trữ thêm.

Chiếc đồng hồ sinh học chạy trong cơ thể ảnh hưởng đến mọi hoạt động của bạn, từ bữa ăn, giấc ngủ cho tới việc luyện tập thể dục. Và nếu có một khung giờ trong ngày mà bạn dễ ngủ nhất, thì cũng có một khung giờ trong đó cơ thể bạn ăn uống và tập luyện hiệu quả nhất, ít nhất là trên phương diện đốt cháy calo.

Một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Current Biology đã phát hiện ra khoảng thời gian cơ thể đốt cháy nhiều calo nhất trong ngày. Theo đó, ngay cả ở trạng thái nghỉ và không làm gì, cơ thể bạn trong buổi xế chiều cũng đốt cháy nhiều hơn 10% calo so với buổi tối muộn.

Kết quả được chỉ ra từ những thử nghiệm được kiểm soát cực kỳ chặt chẽ với môi trường phòng thí nghiệm. Trong đó, họ đã cách ly hoàn toàn 7 người khỏi môi trường, xóa bỏ nhận thức về thời gian của họ và lùi nhịp sinh học của tất cả đi 4 tiếng đồng hồ.

Tiến sĩ Jeanne Duffy, một giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard đồng tác giả nghiên cứu cho biết lượng 10% calo tương đương với khoảng 130 kcal. Bà nhấn mạnh ngay cả một sự gia tăng nhỏ như vậy cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. “Nếu điều đó xảy ra mỗi ngày, bạn có thể tưởng tượng, qua thời gian tích tiểu sẽ thành đại“, giáo sư Duffy nói.

Đây là khoảng thời gian trong ngày mà cơ thể bạn đốt cháy nhiều calo nhất - Ảnh 1.

Đây là khoảng thời gian trong ngày mà cơ thể bạn đốt cháy nhiều calo nhất

Việc tìm ra khung giờ mà cơ thể đốt cháy nhiều calo nhất có ý nghĩa thế nào đến cuộc sống của chúng ta? Bạn có thể liên hệ nó với các hoạt động nạp và đốt cháy calo của mình.

Nếu calo được đốt cháy nhiều nhất vào buổi xế chiều, có thể các hoạt động thể chất nên được xếp lịch vào khoảng thời gian này, trong trường hợp mục tiêu của bạn là đốt cháy nhiều calo hơn để giảm cân hoặc giữ dáng.

Ngoài ra, bạn sẽ phải tránh ăn uống quá nhiều vào các thời điểm mà cơ thể đốt cháy ít calo nhất, là buổi đêm muộn và sáng sớm. Bởi calo nếu không được đốt cháy ngay lập tức có thể tích lũy lâu bên trong cơ thể bạn, dần dần khiến bạn tăng cân và gây ra béo phì.

Giả sử chúng ta dậy sớm hơn một giờ hoặc hai giờ và vì thế ăn sáng sớm hơn một tiếng hoặc hai tiếng“, giáo sư Duffy nói. “Chúng ta có thể ăn bữa sáng đó không chỉ [sai thời điểm vì] đúng lúc mà cơ thể không được chuẩn bị để đối phó với lượng calo đó, mà còn đúng vào khoảng thời gian chúng ta cần ít năng lượng để duy trì các chức năng của mình. Do đó, cùng một bữa ăn sáng [nhưng sai thời điểm] có thể dẫn đến lượng calo tích trữ thêm, bởi vì chúng ta không cần lượng calo thừa đó để duy trì chức năng cơ thể của chúng ta“.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ được chỉ ra từ những thí nghiệm trên 7 người, một quy mô mẫu nhỏ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lập luận kích thước mẫu nhỏ cho phép họ tiến hành các thí nghiệm sâu hơn và được kiểm soát chặt chẽ hơn, bao gồm mọi thứ từ chế độ ăn, khoảng thời gian tiếp xúc với ánh sáng của họ….

Những thử nghiệm sâu và kiểm soát như thế này là tiêu chuẩn vàng của dinh dưỡng và sẽ cung cấp nhiều hiểu biết độc đáo về tác động tự nhiên của nhịp sinh học.

Trong 37 ngày, 7 người cả nam lẫn nữ (từ độ tuổi 38 đến 69) sẽ được sống trong một phòng thí nghiệm không có đồng hồ, cửa sổ, điện thoại hoặc Internet, loại bỏ sự gián đoạn từ môi trường. Các nhà nghiên cứu cũng cẩn thận điều chỉnh giấc ngủ và thời gian thức của họ, lùi tất cả lại 4 giờ đồng hồ.

Điều đó có nghĩa là giờ giấc trong phòng thí nghiệm này sẽ lệch so với bên ngoài 4 tiếng. Những hiệu ứng này cũng tác động vào đồng hồ sinh học trong cơ thể người tham gia, và buộc nhịp sinh học hoạt động chỉ dựa trên các yếu tố bên trong cơ thể.

Nhờ vậy mà các nhà nghiên cứu có thể quan sát buổi sáng, buổi chiều và buổi tối sinh học của cơ thể, tách biệt với thời gian chỉ trên đồng hồ ngoài đời thực. Lượng thức ăn và mức độ hoạt động của các tình nguyện viên cũng được xác định và theo dõi chặt chẽ.

Mỗi tình nguyện viên được yêu cầu đeo cảm biến đo nhiệt độ “lõi” bên trong cơ thể, cho phép các nhà nghiên cứu xác định lượng calo cơ bản mà họ đốt cháy: nhiệt độ lõi càng cao, lượng calo càng lớn.

Đây là khoảng thời gian trong ngày mà cơ thể bạn đốt cháy nhiều calo nhất - Ảnh 2.

Nhiệt độ cơ thể của con người ở mức thấp nhất khi nhịp sinh học tương ứng với khoảng thời gian đêm muộn và sáng sớm, và cao nhất là khoảng 12 tiếng sau đó

Kết quả cho thấy nhiệt độ cơ thể của con người ở mức thấp nhất khi nhịp sinh học tương ứng với khoảng thời gian đêm muộn và sáng sớm, và cao nhất là khoảng 12 tiếng sau đó, vào buổi chiều muộn. Giáo sư Duffy cho biết những phát hiện này có ý nghĩa đặc biệt đối với những công nhân làm việc ca đêm, những người thường có lịch trình hoạt động bất thường trong ngày.

Nghiên cứu từ lâu đã chỉ ra công việc theo ca có liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe, bao gồm béo phì, tiểu đường type 2, ung thư và suy giảm nhận thức. Giáo sư Duffy cho biết nghiên cứu mới củng cố thêm rằng những vấn đề sức khỏe này có thể liên quan đến sự gián đoạn nhịp sinh học.

Đồng hồ sinh học của chúng ta được “hẹn giờ để sẵn sàng làm từng việc vào từng thời điểm bình thường trong ngày và nó cũng có chức năng tối ưu. Khi chúng ta làm việc [sai giờ] như thức cả đêm để làm việc, chúng ta đang chống lại chính những đồng hồ sinh học bên trong mình“, giáo sư Duffy giải thích. “Đồng hồ sinh học không được tối ưu hóa để đối phó với những thực tế như việc bạn ăn vào lúc 3 giờ sáng, khi bình thường chúng ta không ăn gì vào thời điểm đó cả [chúng ta thường chỉ ngủ]”.

Bởi quy mô nghiên cứu còn khá nhỏ và mới chỉ xem xét được đến năng lượng nghỉ – lượng calo cơ thể đốt cháy trong trạng thái nghỉ ngơi, chỉ cho các hoạt động cơ bản như thở, tiêu hóa và tuần hoàn máu – các nhà khoa học sẽ cần nghiên cứu thêm để biết chính xác từng khung giờ trong ngày liên quan thế nào đến lượng calo tổng thể và từng cá nhân.

Mặc dù vậy, nghiên cứu này đã củng cố cho chúng ta thấy tầm quan trọng của nhịp sinh học và tác động của chúng đối với sức khỏe tổng thể, sau giải Nobel sinh lý học và Y khoa năm 2017 được trao cho các nhà khoa học khám phá ra chiếc đồng hồ bên trong này.

Đây là một chức năng liên quan đến trao đổi chất khác của cơ thể chúng ta, nó cũng thay đổi theo thời gian trong ngày“, giáo sư Duffy nói. “Chúng ta có những chiếc đồng hồ bên trong mình cần phải được đồng bộ, và giữ cho đồng bộ với môi trường bên ngoài của chúng ta”.

Tham khảo Time



Bài viết cùng chuyên mục