So về danh thắng thì nước bạn Campuchia không bằng Việt Nam chúng ta. Nhưng xét về cách làm du lịch, theo chủ quan của tôi mà nói thì bạn đã làm tốt hơn chúng ta rất nhiều…
Không hét giá “cắt cổ”
Ở các điểm du lịch nổi tiếng của nước bạn Campuchia như Quần thể Angkor, Cung điện hoàng gia, bãi biển Shihanouk, núi Oudong… tuyệt nhiên không có nạn “chặt chém” du khách. Tất nhiên vẫn có cảnh mua bán hàng rong nhưng người dân bản địa không hề lôi kéo, đeo bám khách mà chỉ mời mua nhẹ nhàng. Tình trạng nói thách cũng không hề xảy ra. Trước mỗi cửa hàng bán thực phẩm, quà lưu niệm, quán ăn… đa phần đều có niêm yết giá (tiền Riel và USD), thậm chí ngay cả xe bán hàng rong cũng thế.
Nếu ai đã từng đến Campuchia, có dịp lang thang dạo chợ đêm trong khu chợ Siem Reap sẽ thấy, các xe bán hàng ăn, hay quà lưu niệm đều treo bảng giá to đùng chào mời. Họ còn tinh mắt khi nhận ra ai là người Việt, người Mỹ, châu Âu,… để mà chào mời theo ngôn ngữ phù hợp. Theo một chú người Campuchia gốc Việt (thuộc Hội Việt kiều), sống tại thủ đô Phnom Penh cho biết thì có một số thực phẩm không niêm yết giá cũng nói thách với người nước ngoài, nhưng chỉ chênh lệch không đáng là bao so với người bản địa.
Khách du lịch tại quảng trường hoàng cung của nước bạn Campuchia.
Còn ở Việt Nam chúng ta, tình trạng “chặt chém” du khách vẫn diễn ra nhiều nơi đến độ “lờn thuốc”. Nhất là tại một số khu du lịch như thành phố biển Vũng Tàu,… dù báo chí đã nhiều lần thông tin về các quán ăn “tính nhầm tiền” du khách nhưng “căn bệnh” này đến nay vẫn tồn tại. Làm ăn kiểu chụp giật như thế rất khó hấp dẫn du khách quay lại, đã thế còn bị mang tiếng xấu cả bộ mặt du lịch Việt Nam.
Ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường
Đúng là vệ sinh môi trường ở Campuchia chưa được tốt lắm vì đường phố một số nơi còn đang trong giai đoạn sửa chữa, làm mới nên rất nhiều khói bụi. Nhưng các dòng kênh, rạch nội và ngoại ô ở thành phố đều đục ngầu phù sa đặc trưng của nước sông chứ không đen ngòm như ở Việt Nam. Nhất là ở các điểm du lịch đông đúc khách, tuyệt nhiên không mấy có rác. Người ta ý thức đến mức đặt rất nhiều thùng rác để cho khách du lịch bỏ vào và lao công lấy rác liên tục để tránh tình trạng thùng rác quá đầy. Ở Quần thể Angkor (Siem Reap), một công trình kiến trúc có diện tích rộng, phức tạp do xây sâu trong rừng nhưng nơi đâu cũng sạch sẽ, không có cảnh vứt rác lung tung. Bãi biển Shihanouk của Campuchia dù không đẹp lung linh như ở An Bàng, Nha Trang, Phú Quốc của Việt Nam… Nhưng lúc nào cũng là bãi cát trắng mịn chứ không pha tạp nham lẫn… rác. Chỉ cần có một tí rác vương vãi, người bản địa hoặc du khách đã tự nhặt bỏ vào thùng rác.
Đồng ý rằng dân số Việt Nam hơn 90 triệu người, trong khi Campuchia chỉ khoảng 15 triệu người, nên tất nhiên việc giữ gìn vệ sinh môi trường ở ta khó khăn hơn. Nhưng bỏ qua vấn đề mật độ dân số, bởi do người dân Campuchia có ý thức về mục tiêu mà họ hướng tới nhằm cải thiện kinh tế, đó là du lịch. Campuchia hầu như ít tài nguyên, các sản phẩm tiêu dùng đều nhập khẩu, tất cả họ chỉ nhờ vào du lịch. Chính vì có tính định hướng rõ ràng và chuyên tâm nên người dân rất ý thức bảo vệ môi trường, nhằm làm đẹp thêm các danh thắng, quyến rũ khách du lịch. Người dân bản địa làm gương thì tất nhiên khách du lịch thập phương cũng buộc phải noi theo.
Quần thể Angkor giữ vệ sinh rất tốt mọi nơi, mọi chỗ.
Đường lên núi Oudong dù đơn sơ mộc mạc nhưng sạch tinh tươm.
Con người thân thiện
Trên quãng hành trình chúng tôi đi qua, dù nơi nghỉ chân không phải là điểm đón du lịch, nhưng người Campuchia vùng nông thôn nói tiếng Anh “bồi” rất hay. Ở những nhà nghỉ, khách sạn, khu chợ hay quán ăn, người phục vụ đều sõi Anh ngữ. Hẳn là, phải hiểu được ngôn ngữ của khách, mới có thể khiến cho khách chi mạnh tay mua sắm, ăn uống và nghỉ dưỡng thoải mái hơn.
Có lẽ vì thế mà người Campuchia rất hiếu khách. Bốn lần xe chúng tôi vô tình va quẹt xe tuk tuk của các bác tài người Campuchia ở những điểm khác nhau nhưng họ không hề nóng giận. Ngược lại họ còn chắp tay cười hòa, nói “Xôm tốs” (xin lỗi) và dắt xe tuk tuk tránh qua một bên cho xe chúng tôi đi. Đặc biệt là ngành du lịch Campuchia rất ưu ái cho dân của họ. Người Campuchia được miễn vé vào cổng Quần thể Angkor, trong khi khách quốc tế vào 20 USD. Các điểm tham quan khác như Biển Hồ, Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng, Hoàng cung…, có giá vé vào cổng dành cho người Camphuchia thấp hơn rất nhiều lần so với người nước ngoài.
Còn nhớ khi Quần thể Angkor được ứng cử vào top 20 trong 7 kỳ quan thế giới mới, người dân Campu chia đã ra sức ủng hộ bằng việc bỏ phiếu bầu chọn. Dù không lọt vào top 7, nhưng để tri ân tình cảm ấy, dân Campuchia hoàn toàn được miễn phí vào cổng Quần thể Angkor.
Sao chúng ta không học du lịch Campuchia?
Danh lam thắng cảnh ở Việt Nam trải dài từ Bắc đến Nam, trong số đó còn có những nơi được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Có thể kể đến Cố đô Huế, Tràng An, Phong Nha-Kẻ Bàng, Mỹ Sơn, Hội An, Vịnh Hạ Long, Thành nhà Hồ… đều là những điểm đến rất đẹp và hấp dẫn. Tuy quyến rũ nhưng vì sao chúng ta vẫn không lôi cuốn được nhiều hơn du khách quốc tế? Bởi do nạn “chặt chém”, xả rác bừa bãi, chèo kéo du khách còn diễn ra tràn lan. Tư duy kiểu “Ăn xổi ở thì” đã làm cho ngành du lịch chúng ta mất “vô hình” trong mắt du khách. Vì vậy, cần có biện pháp mạnh tay xử lý những hình ảnh xấu nhằm cải tổ du lịch ngay từ bây giờ. Du lịch ở nước bạn Campuchia đáng để chúng ta phải học hỏi.
Theo Dân Việt