Theo bác sĩ Hoàng Thanh Hiền, Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng, Bệnh viện quận 11 (TP.HCM), quả mơ được dùng nhiều cách như sau:
– Ăn tươi chấm muối ớt: Chọn quả vừa chín tới, mới hái thì ăn giòn, có vị chua chua. Còn quả chín vàng hoặc đã hái lâu ngày thì lại mềm.
– Mơ ngâm đường: Chọn quả mơ vừa chín tới (quả càng lớn thì càng ngon), loại bỏ những quả dập nát, rửa sạch, bỏ cuống, ngâm nước muối loãng để hết chát và loại bỏ bụi bặm, để khô ráo. Dùng tăm đâm mỗi quả vài lỗ để quá trình trao đổi thẩm thấu đường với mơ được nhanh và quả không bị móp. Cho vào bình thủy tinh đã rửa sạch phơi khô. Đặt 1 lớp đường rồi 1 lớp mơ, cuối cùng là 1 lớp đường, nhớ rắc một ít muối, đậy kín lại đến khi tan hết đường thì dùng được. Tỷ lệ 1kg đường cho 1kg mơ. Mơ ngâm đường để 20 – 30 ngày là dùng được, càng để lâu càng ngon.
Công dụng: Giúp giải khát, thanh nhiệt trong những ngày nóng bức. Thích hợp cho người đang sốt, khô môi. Tác dụng này có thể do trong thịt quả mơ có khoảng 2,5% axit hữu cơ (axit xitric, axit tactric), khoảng 27% đường (chủ yếu là sacaroza), vitamin C…
– Rượu mơ:
Cách 1: Chọn quả vừa chín tới để cho có mùi thơm, loại bỏ những quả dập nát, rửa sạch, bỏ cuống, dùng tăm đâm nhiều lỗ trên trái mơ. Cho quả mơ vào bình thủy tinh 5 lít được 2/3 bình, thêm 1,5 ký đường phèn, đổ rượu nếp vào, đậy nắp, vài ngày sau đường phèn sẽ tan ra.
Cách 2: Mơ ngâm đường được khoảng 1 tháng hoặc hơn thì chiết nước mơ ra một bình thủy tinh khác thành nước mơ ngâm đường để pha nước dùng dần, còn bình đựng mơ thì đổ thêm rượu nếp vào thành rượu mơ. Để lâu rượu mơ ra màu đẹp, thơm và vị bớt nồng, có thể để 1 – 2 năm càng tốt. Khi uống rót ra 1 chung nhỏ nhấm nháp hương vị rượu mơ hoặc bỏ thêm đá cục vào quậy đều uống rất ngon. Ở Việt Nam có những rượu mơ khá nổi tiếng như rượu mơ Hương Tích, rượu mơ núi Tản, rượu mơ Yên Tử…
Công dụng: Dùng như món khai vị, giúp ngon miệng, tiêu thực.
– Ô mai (miền Nam gọi là xí muội): Quả mơ tươi chín vàng được thu hái, sơ chế rồi đem vào lò sấy, khi khô sẽ rắc hỗn hợp muối đường lên, trộn đều sẽ được món ô mai. Món này các cô gái mới lớn rất thích nên các nhà văn gọi lứa tuổi này là “tuổi ô mai”.
– Ô mai cam thảo: Nếu trộn thêm cam thảo, gừng thì ta được món ô mai cam thảo.
Công dụng ô mai, ô mai cam thảo: Ngậm trị ho, trừ đàm, trị khan tiếng, đỡ lạt miệng, chống buồn nôn.
Một số tài liệu lưu ý rằng chất amygdalin trong nhân hạt mơ gây ngộ độc. Tuy nhiên, thịt trái mơ không có chất này. Do đó trái mơ ăn tươi, ngâm đường, làm rượu mơ, làm ô mai không đụng chạm đến nhân hạt mơ nên không lo lắng khi sử dụng.
Theo TV online