Công viên địa chất núi lửa là khu di sản địa chất độc đáo mới được phát hiện nên được rất nhiều quan tâm và muốn tham quan.
Công viên địa chất cấp quốc gia là một hệ thống hang động núi lửa thuộc lưu vực sông Sêrêpốk, là quần thể hang núi lửa có quy mô lớn nhất Đông Nam Á.
Sau bảy năm phát hiện và nghiên cứu, cuối năm 2014, hang được UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Hiệp Hội hang động núi lửa Nhật Bản công bố rộng rãi đến người dân.
Hệ thống hang có tổng chiều dài 25 km, gồm hàng chục hang lớn nhỏ với kích thước và hình dạng khác nhau, kéo dài từ miệng núi lửa xã Buôn Choar đến khu vực cụm thác Đ’ray Sáp – Gia Long (xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông).
Nguồn gốc hình thành hang vô cùng đặc biệt nên thu hút sự chú ý của nhiều người. Hang động được hình thành trong đá bazan mà không phải đá vôi như đa số các hang động khác. Những cấu trúc đặc trưng cho quá trình phun trào như các ngấn dung nham, dòng chảy dung nham, hố sụt, các di tích thực vật được hình thành cách đây hàng triệu năm tạo nên một cảnh quan vô cùng kỳ vĩ.
Giữa năm 2015, một số công ty lữ hành du lịch do không nắm thông tin chính xác đã tự ý đăng thông báo mở tour cho khách tham quan. Tuy nhiên, Sở VHTT&DL tỉnh Đăk Nông đã gửi công văn đề nghị Sở VHTT&DL các tỉnh thành trên cả nước thông báo đến các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn không được phép mở tour, đưa khách đến tham quan khu vực này.
Hành động tự ý đưa khách đến tham quan có thể gây nguy hiểm đến khách, đồng thời ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên, cản trở công tác điều tra, khảo sát của Sở.
Bà Trương Thị Ánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Đăk Nông, cho biết đề án xây dựng Công viên địa chất hang động núi lửa dọc sông Sêrêpốk (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) chỉ mới vừa được UBND tỉnh Đăk Nông thông qua. “Dự kiến đến năm 2017, mới có kết quả, đánh giá toàn diện chính thức hệ thống hang động. Đến lúc ấy, tỉnh mới cân nhắc thời gian mở cửa công viên”.
Hiện cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đang trình duyệt lên Chính phủ công nhận khu vực này trở thành Công viên địa chất cấp quốc gia, cũng như hướng đến đề nghị UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Theo Kim Binh/baotinnhanh.vn