Không khí ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn và côn trùng phát triển, đặc biệt là muỗi. Chính vì vậy, thời tiết mưa bão cũng là lúc vô số dịch bệnh bùng phát.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính, có quanh năm. Tuy nhiên, vào mùa mưa, bệnh có khả năng lây lan nhanh thành dịch do muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ẩm ướt. Sốt xuất huyết thường bùng phát từ tháng 7 đến tháng 11 , 20% số người mắc bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Triệu chứng sốt xuất huyết thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ kèm theo buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và đau vùng thượng vị. Cách phòng bệnh tốt nhất là tránh nguy cơ bị muỗi đốt bằng việc vệ sinh nơi ở sạch sẽ, mắc màn khi ngủ, tránh ao tù nước đọng quanh khu vực sống.
Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ chủ yếu tập trung vào 2 thời điểm trong năm là tháng 4 – 5 và tháng 9 – 10. Bệnh dễ bùng phát thành dịch do lây truyền qua đường hô hấp, đường tiếp xúc (đồ dùng cá nhân). Thêm vào đó, đau mắt đỏ còn lây lan ngay cả trong thời gian ủ bệnh, khi triệu chứng chưa rõ ràng. Số ca mắc bệnh hàng năm lên tới 2700 ca (chỉ tính riêng ở Hà Nội). Bệnh nhìn chung không ảnh hưởng đến thị lực người mắc nhưng nếu để nặng có thể gây ra tình trạng xuất huyết dưới kết mạc gây hậu quả nghiêm trọng.
Đau mắt đỏ dễ nhận biết với các triệu chứng như ho, sốt, mệt, cộm mắt, mắt đỏ, ra gỉ. Muốn phòng tránh căn bệnh này, bạn cần lưu ý giữ gìn vệ sinh cá nhân đồng thời kết hợp vệ sinh mắt với nước muối sinh lý hàng ngày.
Nhiễm khuẩn hô hấp
Thời điểm chuyển mùa cũng là khi cường độ nắng trong môi trường kết hợp với những cơn mưa rải rác. Kiểu thời tiết này không đủ để cuốn trôi bụi bẩn và các tác nhân gây bệnh trong môi trường, ngược lại còn làm bốc hơi các yếu tố gây hại và tồn tại lơ lửng trong không khí khiến bạn dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là nhiễm khuẩn hô hấp do siêu vi.
Nhiễm khuẩn hô hấp lây truyền qua đường hô hấp với những biểu hiện ban đầu như ho, sổ mũi, sốt. Bệnh nặng hơn sẽ thấy thở nhanh, khó thở, thở co lõm lồng ngực,… thậm chí có thể gây biến chứng viêm phổi. Tốt nhất, bạn nên lưu ý vệ sinh mũi hàng ngày và đừng quên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường.
Tiêu chảy
Bệnh về đường tiêu hóa thường gặp nhất trong và sau mưa bão là bệnh tiêu chảy. Tiêu chảy cấp tính có thể do nhiều loại vi khuẩn khác nhau gây nên nhưng chiếm vị trí hàng đầu vẫn là khuẩn tả. Nguyên nhân là do mưa bão, khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khiến khuẩn tả dễ sinh sôi. Chưa kể đến việc ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt cũng dẫn đến hậu quả tương tự.
Bên cạnh đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy còn có thể gây ra sốt và nôn. Đảm bảo vệ sinh ăn uống là cách tốt nhất để bạn phòng tránh căn bệnh này.
Cảm lạnh và cúm
Cảm cúm là một bệnh khá phổ biến mà gần như ai trong chúng ta cũng mắc phải. Vào mùa mưa, cảm cúm càng dễ lan rộng do việc đi mưa khiến mọi người hay bị nhiễm lạnh. Triệu chứng cơ bản của cảm lạnh thông thường và cúm bao gồm ho, chảy nước mũi, hắt hơi, sốt nhẹ,… Tuy nhiên, các triệu chứng cơ bản này cũng rất dễ bị nhầm lẫn với các loại dịch bệnh nguy hiểm hơn như sốt xuất huyết, nhiễm trùng đường hô hấp,… Vì vậy, bạn không nên chủ quan khi cảm thấy cơ thể khó chịu hoặc sốt cao.
Tăng cường sức khỏe bằng việc bổ sung các thực phẩm dinh dưỡng và chuẩn bị sẵn sàng áo mưa, ô, kính, khẩu trang trong những ngày mưa chuyển mùa này sẽ là phương thức bảo vệ hữu ích cho sức khỏe mà bạn không thể bỏ qua.