Chỉ vì có nhiều tế bào hơn trong cơ thể mà những người cao lớn có nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với những người lùn.
Người càng cao lớn, nguy cơ ung thư càng tăng
Leonard Nunney, Giáo sư sinh học tại Đại học California, Riverside, cùng với các đồng nghiệp đã thực hiện nghiên cứu xem xét mối liên hệ giữa số lượng tế bào và tỷ lệ mắc ung thư của con người.
Họ đã phân tích dữ liệu hơn 10.000 ca mắc bệnh ung thư trên cả phụ nữ và nam giới tại các quốc gia gồm Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Áo, Na Uy và Thụy Điển. Sau đó, họ tính tổng số tế bào của các đối tượng, ghi lại chiều cao và đánh giá 18 loại ung thư khác nhau.
Kết quả cho thấy, nguy cơ ung thư của con người tăng khoảng 10% cho mỗi 10 cm cao hơn mức trung bình. Chiều cao trung bình được xác định trong nghiên cứu là 162cm đối với phụ nữ và 175cm đối với nam giới.
Nunney nhận định, nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là do cơ thể người cao chứa nhiều tế bào hơn, do đó làm tăng rủi ro đột biến và dẫn đến ung thư.
Mối liên hệ này được kiểm chứng ở 18 trên 23 loại ung thư trong nghiên cứu. Trong đó, ung thư ruột kết, thận và hạch bạch huyết cho kết quả rõ rệt nhất.
4 loại ung thư gồm tụy, thực quản, dạ dày và họng cho thấy không có sự tăng rõ rệt nào về chiều cao, còn ung thư cổ tử cung là căn bệnh không bị ảnh hưởng bởi yếu tố này.
Trong quá khứ, nhiều công trình nghiên cứu cũng chỉ ra chiều cao có liên quan đến hàng loạt vấn đề sức khỏe như cục máu đông, vấn đề tim mạch và tiểu đường.
Nghiên cứu: các nhà khoa học nhận thấy cao hơn làm tăng nguy cơ bị ung thư nhiều hơn cho phụ nữ hơn nam giới. Ảnh: Shutterstock)
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí y học The Lancet cũng đã cho ra kết quả tương tự. Nghiên cứu được Viện Nghiên cứu Ung thư và Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Vương quốc Anh tài trợ. Những người tham gia phải hoàn thành một bảng câu hỏi bao gồm thông tin về chiều cao, cân nặng, và về các yếu tố xã hội, nhân khẩu học và lối sống liên quan đến ung thư. Họ được theo dõi trung bình 9,4 năm.
Kết quả, trong số gần 1,3 triệu phụ nữ tham gia nghiên cứu, có 97,376 trường hợp ung thư. Trong đó, với mỗi 10 cm tăng thêm về chiều cao, rủi ro mắc bất kỳ loại bệnh ung thư nào đều tăng thêm 10%. Cụ thể, các chuyên gia ghi nhận có sự gia tăng từ 13-17% rủi ro bị ung thư vú, buồng trứng, nội mạc tử cung và ruột kết, trong khi có sự gia tăng 20-29% rủi ro bị ung thư thận, thần kinh, U lympho không Hodgkin và máu.
Kính hiển vi tế bào ung thư tuyết tụy. Ảnh: Stocktrek/ Alamy
Giáo sư Dorothy Bennett, giám đốc Viện nghiên cứu khoa học phân tử và lâm sàng tại St George’s, Đại học London, cho rằng các tính toán của Nunney dựa trên các giả định bao gồm liên hệ mật thiết giữa nguy cơ tăng ung thư với chiều cao người trưởng thành và kết quả nghiên cứu tốt nhất tại thời điểm hiện tại.
“Đối với hầu hết các loại ung thư, căn cứ vào lượng tế bào có thể dự đoán chính xác mối liên hệ giữa chiều cao và ung thư mà không cần các yếu tố bổ sung khác”, Giáo sư Dorothy Bennett cho biết thêm
Georgina Hill, một nhà khoa học đến từ Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Anh, cho rằng chúng ta không nên quá quan tâm đến tầm vóc của mình.
“Những nghiên cứu như thế này chỉ đưa ra được rằng người cao hơn thì có nguy cơ bị ung thư nhiều hơn một ít mà thôi. Nên nhớ, dù là 10% nhưng con số gia tăng thực ra là rất nhỏ. Bạn còn có vô số cách để giảm thiểu nó, ví dụ như không hút thuốc, duy trì mức cân nặng lành mạnh chẳng hạn”, Georgina Hill lập luận.
Lối sống lành mạnh phòng chống ung thư
Mặc dù có vẻ như chiều cao đóng vai trò quan trọng trong nguy cơ ung thư, nhưng có nhiều yếu tố khác có thể có nguy cơ gây ra bệnh ung thư hơn, bao gồm lịch sử gia đình và lối sống. Quan trọng nhất, chiều cao không thể thay đổi. Nhưng áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, hạn chế uống rượu và kiêng hút thuốc lá là các biện pháp tích cực có thể được thực hiện để giảm nguy cơ ung thư.