Nhiều nghiên cứu cho thấy thịt, cá để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng trên trang Health, ngày nay hầu hết gia đình sắm tủ lạnh để dự trữ thức ăn. Một số bà nội trợ do bận rộn không có thời gian đi chợ hàng ngày nên hay mua nhiều thực phẩm tươi sống, nhất là thịt và cá về bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh.
Ưu điểm của phương pháp bảo quản ở nhiệt độ thấp có thể giúp ức chế sự sinh sản và phát triển của vi khuẩn, giữ cho thực phẩm tươi lâu, không bị bốc mùi. Tuy nhiên, không có nghĩa là thực phẩm cứ để trong tủ lạnh sẽ an toàn 100%. Nhiều nghiên cứu cho thấy thịt, cá để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Quá trình cấp đông và rã đông làm mất 1/3 chất béo hoà tan trong thịt, một số chất gần như mất hết. Nhìn chung, tổng hàm lượng dinh dưỡng sau mỗi lần làm đông – rã đông đều giảm 20%. Người thường xuyên ăn loại thịt, cá này về lâu dài dễ sinh bệnh.
Tốt nhất, chỉ nên mua thực phẩm vừa đủ dùng trong 1-2 ngày.
Theo khuyến cáo, chỉ nên dự trữ thịt cá trong tủ lạnh với một thời gian nhất định rồi đem chế biến chứ không nên để quá lâu. Tùy vào khả năng chịu nhiệt của từng loại thực phẩm, chẳng hạn thịt lợn, gà, vịt chỉ nên để trong 7 ngày; thịt thỏ, chim bồ câu 5 ngày; thịt bò, dê có thể để 10 ngày. Riêng các loại cá không nên lưu giữ quá 2 ngày. Nên để thực phẩm ráo nước rồi mới cho vào tủ lạnh.
Cần lưu ý, sau khi rã đông thực phẩm, nên chế biến ngay và không nên tái đông để đảm bảo chất dinh dưỡng không bị phá hủy, đồng thời hạn chế vi khuẩn xâm nhập. Tốt nhất, chỉ nên mua thực phẩm vừa đủ dùng trong 1-2 ngày.
Cá
Cá có mùi tanh khá nặng. Do đó bạn cần phải chú ý khi bảo quản chúng, bạn phải bao bọc chúng thật kỹ bằng nhiều lớp, nếu không nó sẽ lan mùi sang các thực phẩm khác làm bạn cảm thấy vô cùng khó chịu. Ngoài ra, bạn có thể nên luộc cá trước khi cho vào làm đông hoặc giữ lạnh trực tiếp, nếu bạn không thích cách luộc cá thì sau khi làm cá xong bạn có thể pha loãng giấm và đổ trực tiếp lên mình cá như vậy cũng sẽ hạn chế được mùi tanh của cá phần nào.
Riêng các loại cá không nên lưu giữ trong tủ lạnh quá 2 ngày.
Thịt
Thịt tươi sống là thực phẩm thiết yếu hàng ngày của mọi gia đình nên việc sử dụng và bảo quản được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là chị em phụ nữ luôn muốn tìm cách bảo quản thịt tươi sống được lâu hơn và an toàn hơn.
Các loại thịt tươi sống là những loại có nguy cơ cao bị hỏng nhanh hàng loạt và có thể gây ngộ độc thức ăn, do đó cần chú trọng đặc biệt. Thịt nên được giữ ở 0oC, và chỉ nên sử dụng trong 3 ngày. Với loại thịt tươi nếu bọc thì giữ được 3 ngày, nếu không bọc giữ được 5 ngày trong điều kiện nhiệt độ 0-3oC. Các loại thịt bắp nguyên khúc (ví dụ như đùi heo…) và thịt đã được xử lý (thịt hun khói…) có thể giữ được lâu hơn. Không nên sử dụng thịt lâu quá 7 ngày.
Một công bố mới đây của các nhà khoa học Mỹ cho thấy ngay cả thức ăn chín để trong tủ lạnh lâu ngày cũng không an toàn chút nào.
Chẳng hạn món gà và đậu tây được chế biến tối hôm trước, ăn không hết để trong tủ, hôm sau đem ra dùng thì đã thấy có tới 10.000 con vi khuẩn. Do đó, theo các nhà khoa học, các loại thịt kể cả được nấu chín, tối đa chỉ để được trong tủ từ 3-4 ngày.
Không nên biến tủ lạnh thành kho “dự trữ hàng”, có nghĩa là thực phẩm nào cần thiết mới cho vào tủ lạnh để bảo quản, tránh tình trạng thực phẩm cũ sắp hết hạn để lẫn thực phẩm mới vô tình bạn đã “kết liễu” tuổi đời của thực phẩm mới nhanh hơn, do vi khuẩn của thực phẩm cũ nhanh tràn sang thực phẩm mới. Trong tủ cũng phải luôn có khoảng trống để không khí lạnh lưu thông.
Theo Ngọc Vân ( Khỏe & Đẹp)