Khi cho trẻ ăn tôm nên chọn loại tôm nhỏ, tôm đồng, vỏ mềm để dễ tiêu hóa hơn.
Tôm là món ăn phổ biến và khá lành với trẻ em. Cho nên, không ít phụ huynh vẫn cho tôm vào thực đơn để nấu cháo, kho hoặc luộc tôm để con ăn. Ngay từ khi ăn dặm, trẻ đã có thể ăn tôm, đặc tính tôm nhanh chín không tốn nhiều thời gian.
Nhiều phụ huynh quan niệm sai
Có con nhỏ hơn 1 tuổi, được mẹ chồng hướng dẫn cách bổ sung canxi cho con bằng cách tắm nắng và ăn tôm. Cho nên, mỗi tuần 7 ngày thì có 3 ngày, nhà chị Hoa (Nhổn, Hà Nội) chuẩn bị các món ăn chế biến từ tôm cho con. Để tiện lợi cho việc tích trữ, chị Hoa thường đặt trước 2-3kg tôm, làm sạch xong để ngăn đá tủ lạnh.
Con gái chị khá kén ăn, do ăn tôm nhiều nên bé rất biếng. Dù chị Hoa đã dùng mọi cách nhưng chỉ biết ép con ăn để tăng canxi. Đặc biệt, bé không thích ăn vỏ tôm nhưng chị Hoa được mọi người nói đây là nguồn canxi chính nên chị không dám bỏ.
“Tôi vẫn để nguyên vỏ tôm cho con ăn. Dù là hấp, luộc hay nấu cháo. Mẹ chồng tôi bảo đây là nguồn canxi quan trọng, rất tốt để hỗ trợ xương của con. Cho nên chưa bao giờ tôi dám gỡ vỏ ra”, chị Hoa cho hay.
Còn vợ chồng anh Bình (Nghĩa Tân, Hà Nội) đã không ít lần cãi nhau, thậm chí tranh cãi nảy lửa khi vợ không muốn con ăn vỏ tôm, khó tiêu hóa còn anh lại cho rằng vỏ tôm tốt và giàu canxi. Mặc dù, ở thành phố lớn nhưng vợ chồng anh Bình không xin ý kiến tư vấn của bác sĩ về vấn đề này mà để những tranh cãi âm thầm từ ngày này qua ngày khác.
“Tôi đi công tác thì vợ sẽ âm thầm bỏ vỏ tôm đi, còn vợ đi công tác thì tôi cho con ăn tôm nguyên cả vỏ. Tôi nghĩ là lớp vỏ cũng như móng tay, chân đều là lớp sừng được tạo ra từ canxi”, anh Bình cho hay.
Vỏ tôm có chứa nhiều canxi
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ đa khoa Văn Giàu cho hay, trong vỏ tôm không chứa nhiều canxi như phụ huynh vẫn thường nghĩ. Mặt khác, với trẻ em, hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, nếu ăn nhiều vỏ tôm sẽ gây khó tiêu.
“Khi ăn tôm, phụ huynh có thể chọn những loại tôm nhỏ để có vỏ mềm, nhỏ. Còn với tôm lớn hay tôm sú, tôm biển, vỏ thường cứng, phụ huynh không nên để nguyên cả vỏ sẽ làm cho trẻ khó khăn khi ăn, không cẩn thận còn bị hóc”, chuyên gia nói.
Dinh dưỡng của tôm gồm đạm, canxi tập trung nhiều ở càng, thân. Còn vỏ tôm thực tế cũng như vỏ nhiều loại giáp xác khác. Nếu trẻ ăn vào chưa chắc đã hấp thụ được do hệ tiêu hóa yếu, thậm chí còn có thể bị đào thải ra ngoài.
Bác sĩ đa khoa Văn Giàu khuyên, khi trẻ bị ốm, ho, phụ huynh thường tránh cho trẻ ăn tôm. Một số người cho rằng, do vị tanh và sự ma sát của phần vỏ, đầu, càng với niêm mạc họng làm cho ho kéo dài hơn. Nhưng khi ho tức là nhiễm khuẩn ở đường hô hấp, còn quan niệm trên là truyền đời này qua đời khác không có cơ sở khoa học.
“Khi trẻ bị ho phụ huynh kiêng cho trẻ ăn đồ lạnh hoặc các đồ cứng như vỏ tôm để tránh trẻ bị đau họng. Chứ không phải kiêng ăn tôm vì mùi tanh gây ho kéo dài. Khi bị ốm, tôm là thực phẩm giàu chất đạm có thể bổ sung vào thực đơn để phục hồi sức khỏe”, bác sĩ Giàu nói.
Mặt khác, bác sĩ Giàu khuyên, khi chọn tôm cho trẻ, phụ huynh vẫn nên ưu tiên tôm đồng vì sống trong tự nhiên, không chịu tác động của các loại thức ăn chăn nuôi. Chọn tôm có vỏ cứng, đưa lên mũi ngửi không có mùi tanh, hôi. Phần đầu và râu tôm còn chắc chắn bám chặt. Ở các đốt chân tôm không có màu đen ứa ra.
Sau khi mua tôm về, nên sơ chế ngay và cất vào tủ lạnh. Không nên để nguyên tôm rồi cho vào ngăn đá, trước khi chuẩn bị nấu nên đưa xuống ngăn mát, không rã đông bằng nước nóng hay xả dưới vòi.
Theo Phương Hà/Emđẹp