Cuộc sống hiện đại với nhịp điệu hối hả, tất bật cùng vô vàn áp lực, căng thẳng khiến cho con người dần mất đi những giấc ngủ ngon và sự thư giãn. Kéo theo đó là tình trạng “cú đêm” ngày càng gia tăng gây ra những ảnh hưởng vô cùng tồi tệ và nghiêm trọng đến sức khỏe.
Theo các chuyên gia khoa học, một giấc ngủ ngon và đủ giấc là giấc ngủ chiếm 7 – 8 tiếng mỗi ngày. Nó sẽ giúp cho cơ thể khỏe khoắn, năng động và làm việc hiệu quả hơn. Nhưng thực tế thì lại khác. Ngày nay, với cuộc sống hiện đại, sức ép công việc cao, giao tiếp nhiều, thời gian nghỉ ngơi ít, công việc bận rộn… đã khiến ngày càng có nhiều người thường xuyên phải thức khuya đến tận 1, 2 giờ sáng, thậm chí sẵn sàng thức trắng đêm nếu cần.
Thức khuya rất có hại cho sức khoẻ, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ. Thức khuya khiến cơ thể bị suy nhược, mệt mỏi, dễ cáu kỉnh và còn kéo theo nhiều tác hại không ngờ đến sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến các bạn những tác hại khủng khiếp của việc thức khuya. Bạn hãy tham khảo và tìm hiểu thật kỹ để hiểu rõ hơn về hậu quả của việc thức đêm và đề phòng, cải thiện nó nhé!
1. Rối loạn nội tiết tố
Đừng cố gắng sức để làm việc đến quá khuya. Nếu phải thức đêm thì bạn nên ngủ bù hoặc sắp xếp thời gian nghỉ ngơi vào ngày hôm sau. Như vậy, đồng hồ sinh học mới có thể điều chỉnh, nội tiết tố mới trở lại bình thường, những tác dụng phụ do rối loạn nội tiết tố lên cơ thể cũng được giảm nhẹ.
2. Suy giảm miễn dịch
Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng khi cơ thể thiếu ngủ, số lượng bạch huyết cầu giảm xuống và các protein cytokines gây viêm tăng lên, khiến bạn dễ cảm cúm và ốm vặt. Bên cạnh đó, thức khuya còn ức chế tốc độ miễn dịch của cơ thể, làm cơ thể tiết ra quá ít kháng thể và do đó phản ứng rất chậm khi tiêm chủng, vậy nên bạn dễ bệnh mà lại rất lâu khỏi.
Không chỉ vậy, việc thức khuya kéo dài còn khiến bạn dễ mắc những bệnh lý về tim. Khoa học đã chứng minh protein CRP, một loại protein có vai trò quan trọng trong sự phát triển bệnh tim, tăng lên khi bạn ngủ dưới 6 tiếng.
3. Bệnh phụ nữ
Nguy cơ ung thư cao gấp 1,5 lần ở những phụ nữ thường làm việc vào ban đêm nhiều hơn ban ngày, so với phụ nữ làm việc theo tiến trình bình thường. Tỷ lệ mắc ung thư cao của phụ nữ trong trường hợp này như u xơ tử cung, tổn thương nội mạc tử cung, tổn thương vú… có liên quan chặt chẽ đến mất cân bằng estrogen và progesterone.
Những rối loạn trên sẽ dẫn đến một loạt rối loạn chức năng nội tiết, ảnh hưởng đến chu kỳ rụng trứng của phụ nữ. Một khi các chu kỳ rụng trứng bị gián đoạn, tình trạng kinh nguyệt không đều có thể xảy ra, nếu kéo dài sẽ khiến đồng hồ sinh học trong cơ thể phụ nữ thay đổi, gây rối loạn nhịp điệu cuộc sống. Từ đó, khiến cho phụ nữ bị mất ngủ kéo dài và dẫn đến những bệnh tình không đáng có.
4. Ung thư vú
Thức khuya hoạt động, làm việc đòi hỏi cần phải có ánh sáng. Do đó, chúng ta phải bật đèn. Trong khi đó, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng phụ nữ tiếp xúc quá lâu với ánh đèn nhân tạo (đặc biệt là công nhân làm ca đêm) có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn bình thường. Nguyên nhân là do hormone melatonin giảm đi khi có ánh sáng. Melatonin ức chế hormone nữ estrogen, không có melatonin thì estrogen tăng lên, đồng nghĩa với các tế bào ở tuyến vú cũng tăng lên. Loại tế bào này càng tăng thì khả năng sinh ra các tế bào dị biến ở ngực cũng tăng và do đó tăng khả năng xảy ra ung thư vú.
5. Lão hóa da và nhan sắc “xuống cấp”
Ban đêm, trong lúc ngủ, làn da của bạn sẽ bước vào quy trình “tu sửa nhan sắc” bằng cách đẩy mạnh lưu thông máu, bóc tách và tái chế các tế bào da. Thức quá khuya khiến da bạn phải bỏ qua bước này và thế là bao nhiêu bọng mắt, quầng thâm, da khô nứt nẻ đều bị giữ lại và làm bạn già đi trông thấy. Các nghiên cứu đã cho thấy những ai bị thiếu ngủ thường có da nhăn nheo, thiếu đàn hồi hơn những người ngủ đủ giấc. Đi ngủ sớm chính là phương pháp dưỡng da rẻ tiền và hiệu quả nhất đấy, bạn đừng nên bỏ qua.
6. Tăng cân và trầm cảm
Khi bạn thức quá khuya hoặc thức trắng đêm, lượng cortisol, hay còn gọi là hormone stress sẽ gia tăng đột biến. Thông thường, cortisol giảm dần khi đến giờ ngủ. Nhưng nếu bạn thức càng khuya thì cortisol giảm càng chậm, thậm chí là giảm chậm đến 6 lần nếu bạn thức trắng dù chỉ một đêm. Từ đó dẫn đến tích tụ cortisol trong cơ thể, làm bạn dễ cảm thấy stress, hoảng loạn và mắc chứng trầm cảm. Ngoài ra, lượng cortisol cao cũng là nguyên nhân gây nên mỡ bụng, nhất là ở phụ nữ.
7. Bệnh dạ dày và ruột
Tế bào trên niêm mạc dạ dày của người thường thay mới khoảng từ 2-3 ngày/lần vào ban đêm. Nếu ăn vào buổi đêm do thức khuya, dạ dày và ruột không được nghỉ ngơi, sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình hồi phục. Đồng thời, đồ ăn đêm bị lưu giữ ở dạ dày trong thời gian dài khiến dịch dạ dày tiết ra lượng lớn, kích thích lên niêm mạc dạ dày. Lâu dần dễ gây rách niêm mạc dạ dày, bục dạ dày.
8. Suy giảm trí nhớ
Thức khuya lâu ngày sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là suy giảm hoạt động của não bộ. Tỉ lệ suy giảm trí nhớ ở những người có thói quen thức đêm thường cao gấp 5 lần so với những người bình thường khác. Thông thường một ngày cơ thể cần 8 tiếng nghỉ ngơi, giúp khôi phục hoạt động của não bộ sau một ngày lao động mệt mỏi. Vì vậy, bạn nên thu xếp thời gian làm việc thích hợp cho não bộ nghỉ ngơi. Có như vậy hiệu suất và hiệu quả làm việc mới được nâng cao và thành công hơn.
Minh Lượng/Starpress