.
.

Vệ sinh mắt kính đúng cách và khoa học


Mắt kính của bạn bị mờ, bám bụi,… thậm chí trầy xước! Chuyện nhỏ! Chỉ với một số mẹo vặt nho nhỏ và đơn giản là bạn có thể “tút tát” lại cho mắt kính thân yêu của mình rồi!

Mắt kính từ lâu đã trở thành trợ thủ đắc lực của con người trong việc chữa trị các tật khúc xạ về mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị. Bên cạnh đó, nó còn là một phụ kiện thời trang xinh xắn, cá tính và không kém phần rất ngầu mà hầu như mọi lứa tuổi, giới tính hay quốc gia nào cũng đều sử dụng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách giữ gìn và làm vệ sinh mắt kính cho đúng cách và khoa học, giúp kính sử dụng lâu bền và trông mới hơn. Sau đây, bạn có thể tham khảo và bỏ túi kha khá những mẹo vặt giúp bảo quản và vệ sinh mắt kính thân yêu thật tiện ích và dễ dàng nhé!

* Lau kính

Mắt kính phải được lau chùi thường xuyên để giữ cho chúng sạch sẽ. Lau kính bằng vải mềm thật nhẹ nhàng, không sử dụng vải thô để lau vì nó có thể gây ra các vết trầy xước trên kính, làm giảm độ hiển thị. Khăn lau kính tốt nhất là được dệt từ vải sợi mịn, nhỏ, trơn và là loại chuyên dùng để lau kính. Khăn luôn được bảo quản trong hộp riêng để tránh bụi bặm. Tuyệt đối không lau kính bằng quần áo đang mặc, gây mờ kính, gãy gọng kính, đứt sợi nylon (cước), đặc biệt với các loại gọng kính khoan và kính có thể tháo rời mắt.

* Rửa kính

Phần lớn mọi người đều làm sạch mắt kính của họ chỉ với một mảnh vải mềm khô. Tuy nhiên, điều này là không đúng. Bạn nên sử dụng một chất lỏng nào đó của một số loại nước như nước hoặc xà phòng loại dịu nhẹ, nước rửa kính hoặc cồn, giấm, nước lọc để loại bỏ các chất bẩn và bụi bẩn trên bề mặt mắt kính và làm sạch đúng cách.

+ Rửa bằng nước thường: rửa kính trực tiếp dưới vòi nước, dòng nước chảy sẽ loại bỏ tất cả bụi bẩn và tạp chất từ mặt kính, sau đó lau khô kính bằng vải sạch.

+ Rửa bằng xà phòng, sữa tắm, nước rửa chén: nước xà phòng là dung dịch hữu hiệu lại tiện lợi trong việc vệ sinh mắt kính. Chỉ cần trộn đều tay hỗn hợp nước sạch và vài giọt nước rửa chén cho đến khi nước có bọt xà phòng. Sau đó, bạn nhẹ nhàng nhúng mắt kính vào nước xà phòng rồi lấy ra. Kế tiếp, bạn sử dụng một miếng vải mềm sạch để lau khô mắt kính. Cách làm đơn giản mà hiệu quả này sẽ giúp bạn loại bỏ bất kỳ vết bẩn nào còn sót lại trên mắt kính kể cả phần tròng và phần gọng.

+ Rửa bằng hỗn hợp cồn, giấm và nước lọc: cồn hay thức uống chứa cồn như rượu, bia cũng là nguyên liệu tuyệt vời có thể giúp làm sạch mắt kính hiệu quả. Bạn cho 3 muỗng canh cồn (bia hoặc rượu), vài giọt giấm và nhiều nước vào trong một bình xịt rồi lắc thật đều. Khi mắt kính của bạn bị mờ, bạn chỉ cần phun xịt hỗn hợp này lên mắt kính và sau đó lau khô bằng vải bông mềm. Như vậy là mắt kính bạn luôn sáng bóng và sạch sẽ mỗi ngày.

+ Rửa bằng dung dịch nước lau kính chuyên dụng: nếu như bạn không muốn bỏ công ra “pha chế” những dung dịch lau kính ngoài nước lọc thì bạn có thể đến các hiệu thuốc hoặc cửa hàng mắt kính để tậu cho mình những chai, bình xịt dung dịch lau kính chuyên dụng với giả cả phải chăng và tính năng bảo vệ kính vượt trội.

cách bảo quản và vệ sinh kính mắt an toàn

* “Chữa cháy” khi tròng kính bị trầy xước

Một “nỗi đau tột cùng” mà mọi “dân 4 mắt” đều hết sức “đau lòng” là vô tình làm trầy xước tròng mắt kính! Điều đó khiến cho bạn cảm thấy khó chịu và bực mình mỗi khi đeo kính, tầm nhìn bị hạn chế và độ hiển thị lại không rõ nét như ban đầu. Đối với những cặp kính sành điệu, hàng hiệu hay chất liệu tốt, giá cao thì bạn lại càng cảm thấy “tiếc nuối” nhiều hơn. Dưới đây là một vài mẹo vặt nho nhỏ giúp bạn làm mờ đi vết trầy xước hữu hiệu, hãy thử xem nó hiệu quả bất ngờ như thế nào nhé!

+ Trị vết trầy xước bằng kem đánh răng: lấy một ít kem đánh răng bôi trực tiếp lên mắt kính bị xước, (không dùng kem đánh răng có hạt cát nhỏ). Sau đó,sử dụng bông gòn hoặc khăn mềm để lau mắt kính theo những vòng tròn chồng lên nhau. Cuối cùng, bạn có thể dùng mọt ít cồn thấm vào bông gòn để lau mắt kính lại một lần nữa và kiểm tra kết quả.

+ Trị vết trầy xước bằng kem đánh bóng kim loại: lấy một lượng nhỏ dung dịch đánh bóng kim loại bôi vào khu vực mắt kính bị xước, sử dụng khăn mềm hoặc bông gòn để kỳ cọ cho đến khi vết xước biến mất.  Bạn có thể làm đi làm lại nhiều lần để khắc phục vết xước hiệu quả nhất.

+ Trị vết trầy xước bằng bột baking soda: lấy một lượng baking soda nhỏ trộn đều với nước theo tỉ lệ 1:1, sau đó dùng khăn hoặc bông mềm lau chùi mắt kính, tập trung miết vào khu vực bị xước. Có thể làm đi làm lại nhiều lần như thế cho đến khi mắt kính sáng bóng và không còn vết xước.

* Một số lưu ý trong việc bảo quản và sử dụng mắt kính

– Dùng 2 tay khi đeo và gỡ kính: Sử dụng một tay có thể gây nên sai lệch gọng và tâm của mắt kính, ảnh hưởng tới tuổi thọ của kính cũng như tới đôi mắt.
– Không tự sửa kính: Nếu cảm thấy kính bị lệch thì bạn không nên tự sửa. Việc sửa kính đòi hỏi phải có chuyên môn và dùng những dụng cụ chuyên ngành.
– Không cầm tay vào mắt kính: Cầm tay vào mắt kính thường làm cho mắt kính bị mờ đi vì mắt kính rất dễ bắt dính dầu và mồ hôi, tay bị bụi bẩn cũng có thể làm cho kính bị trầy xước, ố màu làm cho khả năng quan sát bị hạn chế có thể gây nên nhức mỏi mắt, đau đầu.
– Khi vệ sinh kính, bạn nên xả nước rửa trước rồi lau. Vì khi mắt kính dính bụi bẩn, nếu lau ngay thì chính lớp bụi bẩn đó sẽ crà xát làm xước mắt kính.
– Rửa kính nên xả bằng nước sạch, có thể dùng sữa tắm hay nước rửa chén bát để làm sạch kính, tránh xả nước vào hộp lò xo bản lề (những chỗ này khi bị đọng nước thường gây hiện tượng gỉ sét làm hỏng kính). Rồi sau đó mới lau gọng kính và thấm nước ở mắt kính.
– Chú ý lau nhẹ nhàng để tránh làm trầy xước mắt kính, gẫy gọng kính, đứt sợi nylon (cước), đặc biệt với các loại gọng kính khoan và kính có thể tháo rời mắt. Khăn lau kính tốt nhất là được dệt từ vải sợi mịn, nhỏ, trơn và là loại chuyên dùng để lau kính. Khăn luôn được bảo quản trong hộp riêng để tránh bụi bặm.
– Tuyệt đối không lau kính bằng quần áo đang mặc, một số người đeo kính do sự tiện lợi thường lau kính bằng cách này nhưng nó sẽ khiến kính bị xước.
– Khi không đeo kính thì nên cho kính vào hộp để tránh va đập, xước hay bụi…
– Không để kính nơi có nhiệt quá cao hay quá thấp.

Minh Lượng/Starpress

 



Bài viết cùng chuyên mục