Mới nhìn qua tưởng đâu vô hại, thế nhưng loài sứa bé nhỏ này lại là mối hiểm họa đối với bất kỳ ai khi đi du lịch biển mùa hè này đấy!
Mùa hè đến cũng là lúc người ta chọn cho mình những chuyến đi du lịch để giải tỏa căng thẳng sau bao tháng ngày làm việc, học tập mệt mỏi. Và dĩ nhiên, vi vu tắm biển vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều gia đình và các bạn trẻ. Thế nhưng, biển cả luôn ẩn chứa nhiều mối hiểm nguy rình rập, và một trong số đó chính là loài sứa lửa mà du khách phải hết sức lưu tâm.
Sứa thì các bạn có thể bắt gặp ở nhiều vùng biển, đặc biệt chúng phát triển rất mạnh mẽ vào mùa hè – giai đoạn du lịch cao điểm trong năm. Ở biển nước ta thường có 2 loài là sứa thường (còn được dùng làm thực phẩm) và sứa lửa. Khác với sứa thường chỉ gây dị ứng, ngứa ngáy nhẹ và sau khi bôi, uống thuốc sẽ nhanh khỏi, loài sứa lửa mới thực sự là nỗi khiếp đảm của ngư dân hay du khách nếu không may bị chích.
Dạo gần đây, những hình ảnh về sự xuất hiện của loài sứa lửa tại bãi biển Hồ Cốc (Bà Rịa – Vũng Tàu) được đăng tải trên nhiều diễn đàn du lịch Facebook, nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. Được biết vào giai đoạn này những năm trước, nhiều vùng biển tại Việt Nam như Quảng Ninh, Phú Yên, Đà Nẵng,… cũng liên tục xảy ra tình trạng du khách bị sứa lửa tấn công.
Sứa lửa xuất hiện tại bãi biển Hồ Cốc (Bà Rịa – Vũng Tàu), khiến nhiều du khách lo ngại. (Ảnh: Hưng Hoàng)
Sở dĩ có tên sứa lửa là vì vết đốt của nó khiến vùng da tiếp xúc của chúng ta có cảm giác bỏng rát như lửa đốt. Thoạt nhìn trên ảnh, loài vật này có dạng hình tròn khá trong suốt với nhiều đốm nhỏ bên trong. Vì nhỏ nhắn xinh xắn nên nhiều bạn còn nói đùa rằng trông nó giống… bánh mochi! Thế nhưng, thử đụng vào đi rồi thấy cái cảnh!
Sứa lửa thường xuất hiện tại nhiều vùng biển Việt Nam vào mùa hè. Nó có màu xanh, đỏ, vàng, và trắng như hình, màu càng sặc sỡ thì càng nguy hiểm. Chúng tấn công vùng da con người bằng các xúc tu chứa nọc độc. Nhẹ thì nạn nhân chỉ bị nổi mẩn đỏ, ngứa, rát, phỏng nước ngoài da. Còn nếu bị chích nặng hơn và không xử lý kịp thời sẽ có thể gây khó thở, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, thậm chí là suy tim dẫn đến tử vong.
Sứa lửa xuất hiện nhiều nhất tại các vùng biển Việt Nam vào mùa hè, từ khoảng cuối tháng 5 trở đi. (Ảnh: Lê TThanh Thủy)
Theo kinh nghiệm được chia sẻ từ nhiều hướng dẫn viên du lịch lâu năm cũng như các bác sĩ, khi bị sứa đốt, các bạn tuyệt đối không được gãi vết thương hoặc chạm tay vào nó bởi nọc độc sẽ dễ bị lan ra vùng da khác. Hãy rửa ngay chỗ bị đốt với nước muối hoặc giấm (không nên rửa bằng nước suối đóng chai), sau đó cẩn thận nhổ các xúc tu có thể nhìn thấy với một cái nhíp nhỏ rồi ngâm da trong nước nóng nhiệt độ khoảng 43 – 45 độ từ 20 – 45 phút. Cuối cùng, hãy nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ quan y tế gần nhất để nhờ sự trợ giúp của bác sĩ thôi nào!
Khi bị loài vật nguy hiểm này tấn công, hãy lưu ý ngay một vài bí kíp nho nhỏ bên trên để tránh những hậu quả đáng tiếc bạn nhé! (Ảnh: Hưng Hoàng)
Bình luận bên dưới các bài đăng, nhiều bạn cũng bày tỏ sự lo ngại và những kinh nghiệm của bản thân khi chạm trán với loài vật này:
– Tiên Thủy: “Chân mình vẫn còn vết sẹo do phỏng bởi con sứa này đây. Đợt đó cũng đi tắm biển rồi bị đốt và thực sự hơi hoảng, vì nguyên vùng da phỏng rộp lan ra cả một vết to luôn!”
– Quỳnh Lâm: “Hồi xưa mình cũng bị mà không biết nên đã lấy đá chườm, cũng may là không bị sao hết…”
– Anh Châu: “Hồi bữa mình đi lặn ngắm san hô, phóng xuống biển thấy mấy con này quá trời, xong thấy có điềm chẳng lành nên mau mau lên tàu lại liền, không dám lặn nữa!”
– Ngoc Nguyen: “Mấy bạn có dắt con em đi tắm biển thì nhớ chú ý. Tụi nhỏ thấy mấy con sứa này dễ thương nên dễ bắt hoặc đụng vào, mà da mấy đứa con nít lại dễ nhạy cảm nữa…”
– Anna Phan: “Các bạn cũng có thể chữa bằng cách lấy nước màu (dùng để kho cá, thịt) bôi lên vùng da bị bỏng do sứa lửa đốt, để yên đến khi thấy da dịu và hết ngứa thì rửa lại bằng nước sạch. Đợt rồi mình đi biển với gia đình, ba mình bị bỏng đỏ hết bàn tay, cũng may được dân địa phương chỉ cho nên vết bỏng dịu đi nhanh và không còn rát ngứa nữa!”
– Hưng Hoàng: “Chia sẻ với mọi người luôn là có thể dùng thuốc mỡ hoặc tuýp này để chữa trị tạm thời vết đốt của sứa lửa nhé!”
Nhưng tốt nhất vẫn là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Nhận biết được loài sứa lửa này rồi thì sau này đi tắm biển nhớ cẩn thận “ngó trước nhìn sau” bạn nhé! (Ảnh: Yêu Vũng Tàu)
Bởi vậy, muốn đi tắm biển mùa này thì trước khi hòa mình vào làn nước mát, nhớ chú ý kỹ xem dọc bãi biển có sự xuất hiện của mấy “em” sứa lửa này không nha! Nếu có thì nhớ “tẩu thoát” liền trong vòng 1 nốt nhạc bạn nhé!
Theo trí thức trẻ