Quan niệm định hướng con em của mình chọn những con đường nhàn hạ và an toàn đã không còn phù hợp.
Sáng ngày 19.7, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM đã trao quyết định thành lập Ban điều hành (BĐH) Hệ sinh thái khởi nghiệp các ngành Cơ khí, Chế biến Lương thực thực phẩm và Nhựa Cao su Hóa chất giai đoạn 2017 – 2020.
3 BĐH Hệ sinh thái khởi nghiệp mới cùng với BĐH Hệ sinh thái ngành CNTT sẽ là đầu tàu thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo (ĐMST), khởi nghiệp trong từng ngành cũng như đẩy mạnh sự hợp tác giữa các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp của toàn thành phố.
Tại buổi lễ trao quyết định, đại diện các BĐH và Sở KH&CN thẳng thắn thảo luận những khó khăn, tồn tại ảnh hưởng đến phong trào ĐMST của thành phố, đồng thời đưa ra những giải pháp để khắc phục.
Nâng cao kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên
Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến được nêu ra xoay quanh vấn đề nâng cao nhận thức của cộng đồng về ĐMST và khởi nghiệp, đặc biệt là với giới sinh viên.
Lấy ví dụ từ phong trào ĐMST của Phần Lan, ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết, thành phần cốt lõi của phong trào là các trường đại học với lực lượng sinh viên đóng vai trò lãnh đạo.
Trong khi đó, giới trẻ Việt Nam vẫn được bao bọc quá nhiều dẫn đến thiếu tính chủ động, sáng tạo. Điều này khiến cho kết quả các hoạt động ĐMST, khởi nghiệp chưa được như mong đợi.
Đại diện các BĐH thẳng thắn mổ xẻ những vấn đề còn tồn tại trong phong trào khởi nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Mai Thanh Phong – Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa TP.HCM kiêm chủ tịch BĐH Hệ sinh thái khởi nghiệp ngành Cơ khí, cho rằng sinh viên đã tham gia vào phong trào ĐMST nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là do trình độ của sinh viên chưa đáp ứng được và thiếu sự hỗ trợ từ các thành phần khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Trong khi đó, theo ông Dương Minh Tâm – Phó trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, sinh viên Việt Nam đang thiếu kiến thức, kinh nghiệm về quản trị, về khởi nghiệp. Do vậy cần đưa những nội dung này vào chương trình giảng dạy trong các trường ĐH.
Mới đây, TP.HCM đã có 23 giảng viên các trường đại học tốt nghiệp Khóa đào tạo Giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp ToT-HCM. Đây là động thái tích cực nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng khởi nghiệp TP.HCM.
Lan tỏa tư duy khởi nghiệp trong cộng đồng
Giới sinh viên và các trường ĐH đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp nhưng nếu chỉ dừng ở đó, phong trào khởi nghiệp không thể đạt được những kết quả tốt.
Bà Nguyễn Hồng Mai – Giám đốc Spring Capital kiêm Chủ tịch BĐH Hệ sinh thái khởi nghiệp ngành Chế biến Lương thực thực phẩm, xác định: Nâng cao nhận thức của cộng đồng về khởi nghiệp cũng là một trong các nhiệm vụ quan trọng của các BĐH Hệ sinh thái. Do đó, bà Mai đề xuất các BĐH cần mở rộng đối ngoại, truyền thông để cộng đồng có cái nhìn đúng về ĐMST và khởi nghiệp.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Mai Thanh Phong nhận định những người làm chính sách, các chuyên gia, giảng viên và giới trẻ là những nhóm đối tượng quan trọng nhất mà các hoạt động này cần hướng đến.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, ý nghĩa của khởi nghiệp nằm ở chỗ đem lại được lợi ích gì cho xã hội.
Trả lời câu hỏi về được lợi ích gì khi tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp, ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng: Những người đến với cộng đồng khởi nghiệp phải xác định “Mình có thể cho đi những gì?” chứ không phải đến với mục đích “Mình có được lợi gì?”.
Ý nghĩa của khởi nghiệp không phải ở chỗ kiếm được bao nhiêu tiền mà quan trọng là mình tạo được lợi ích gì cho xã hội.
Liên quan đến nội dung này, bà Trần Thị Thu Hương – Vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ KH&CN kiêm Giám đốc Chương trình IPP2 tại hội thảo đồng sáng tạo “Local E&I Agenda”, cũng nhấn mạnh: Không chỉ giới sinh viên cần thay đổi về nhận thức mà cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội cũng cần có sự đổi mới về tư tưởng.
Quan niệm định hướng con em của mình chọn những con đường nhàn hạ và an toàn đã không còn phù hợp. Thay vào đó, chúng ta cần thay đổi về văn hóa, sẵn sàng chấp nhận những ý tưởng mới và hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp.
Theo Khám phá