Từ sau ngày biết tin mình không đủ điều kiện chính trị để tham gia xét tuyển vào Học viện An ninh, đêm nào Quỳnh cũng khóc, cô gái trẻ luôn tiếc nuối cho biết bao công sức mình đã bỏ ra. Đối với cô, Học viện An ninh là giấc mơ duy nhất mình muốn chạm vào.
“Vượt thác vũ môn” từ lâu đã là một trong những sự kiện có ý nghĩa nhất tuổi thanh xuân của mỗi người. Việc chúng ta có tiếp tục học lên cao nữa hay không sẽ quyết định rất nhiều đến tương lai sau này. Bởi thế, mỗi kỳ thi ĐH dù diễn ra chóng vánh nhưng dư âm mà nó để lại thì luôn rất dài. Ngoài niềm vui, sự phấn khởi của người đỗ ĐH, bao giờ cũng còn đó những câu chuyện thật buồn.
Và nữ sinh Nguyễn Như Quỳnh (SN 1997, thôn Minh Khai, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) chính là một trong số rất nhiều người không may mắn. Câu chuyện của Quỳnh đặc biệt ở chỗ, ít ai thi khối C đạt tổng điểm 30,5 mà vẫn trượt ĐH như cô. Đối với Quỳnh, ước mơ đang dần tuột xa tầm tay bởi những sai lầm không phải do cô gây ra… nhưng đến giờ này, vẫn chưa biết làm cách nào để tháo gỡ.
Dang dở 13 năm rèn giũa chỉ vì bố từng mua súng
Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, Như Quỳnh đạt điểm số lần lượt các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý là 9 – 8,5 – 9,5. Cộng thêm điểm ưu tiên người dân tộc thiểu số Nùng, tổng điểm của Quỳnh là 30,5. Có thể nói, đây là số điểm rất đẹp, khiến nhiều người học khối C không khỏi ngưỡng mộ. Nó là kết quả của 13 năm Quỳnh nỗ lực không mệt mỏi.
Nguyện vọng của cô là thi đỗ trường Học viện An Ninh. Rất tiếc, với số điểm cao như trên, Quỳnh vẫn không đủ điều kiện tham dự xét tuyển. Lý do là bố cô, ông Nguyễn Văn Thuận, trước đây từng mua một khẩu súng C.K.C. Dù trong suốt thời gian mua về, khẩu súng không được sử dụng nhưng đến năm 1994, ông bị tạm giữ điều tra và sau đó, bị kết án 12 tháng tù treo.
Sau ngày biết tin không đủ điều kiện xét tuyển vào Học viện An Ninh, tâm trạng Quỳnh lúc nào cũng buồn bã.
Hai cha con Quỳnh đang lật giở lại hồ sơ.
Những thành tích học tập đáng nể của Quỳnh.
Mặc dù sau khi chấp án, ông Thuận đã có giấy xóa án tích và tích cực tham gia công tác dân quân, làm cán bộ thôn… song chút sai lầm bồng bột hồi còn trẻ vẫn không cách nào xóa bỏ.
“Năm nay là lần thứ 2 mình thi ĐH khối C. Vì năm trước điểm thấp, không đủ điều kiện xét tuyển vào Học viện An ninh nên mình quyết tâm thi lại. Nếu bảo điểm thấp không đỗ đã đành nhưng bây giờ thi được điểm cao thì sao chứ, kết quả là mình vẫn trượt ĐH”, Quỳnh tâm sự. Vừa nói, cô vừa buồn bã lật giở cuốn sổ học bạ cấp 3 của mình. 3 năm theo học tại trường THPT Đồng Bành cũng là 3 năm Quỳnh liên tục giành danh hiệu Học sinh giỏi toàn diện. Riêng năm học lớp 12, điểm số hầu hết các môn của Quỳnh đều đạt ít nhất trên 8,0 (riêng môn Vật lý được 7,8).
Phiếu điểm của Quỳnh được công an tỉnh Lạng Sơn ghi rõ: “Đã báo cáo, chờ Bộ Công an xem xét giải quyết về tiêu chuẩn chính trị”.
Mỗi khi nhắc đến chuyện thi ĐH, tâm trạng Quỳnh lại chùng xuống.
30,5 điểm thi ĐH, con số mà chỉ vừa nhìn vào, người ta đã thấy phía sau nó là biết bao nhiêu nỗ lực. Đối với Quỳnh và gia đình, cái giá phải trả là không ít mồ hôi, nước mắt. Vì chăm lo cho Quỳnh có toàn thời gian lo học hành, bố mẹ cô cũng vất vả thêm gấp 2-3 lần. Gia đình có hoàn cảnh kinh tế không mấy dư giả nên Quỳnh không hề đi học thêm hay mời gia sư. Kiến thức có được đều do các thầy cô truyền đạt trên lớp và Quỳnh tự mày mò thêm. So với chúng bạn, ngoài 12 năm mòn gót trên giảng đường, Quỳnh còn có thêm một năm vất vả ôn luyện tại nhà với bao nhiêu áp lực.
“Mình cố gắng như vậy cũng chỉ mong có ngày thi đậu Học viện An ninh thôi. Lúc biết tin vì không đủ tiêu chuẩn chính trị mà mình không có cơ hội xét tuyển vào trường, mình buồn lắm. Cảm giác như mọi thứ sụp đổ hoàn toàn”. Quỳnh chia sẻ, sau ngày biết tin, đêm nào cô cũng khóc, nhiều khi ngồi một mình, hai mắt cũng tự dưng nhòe ướt. Cô tâm sự, Học viện An ninh là giấc mơ duy nhất của mình. Nếu không thi đỗ vào đây, Quỳnh cũng chẳng còn tâm trí để lựa chọn trường khác.
Người cha day dứt vì sai lầm trong quá khứ
Nói về chuyện mua khẩu súng C.K.C hồi trẻ, ông Thuận cho hay: “Lúc mua súng, tôi mới chỉ 25 tuổi. Khi ấy do nhận thức còn hạn chế, không biết như vậy là vi phạm pháp luật. Khẩu súng mua về cũng không dùng đến bao giờ”.
Khi bị kết án treo 12 tháng, ông Thuận nghiêm túc chấp hành. Sau này, vào năm 1995, ông nhận được giấy xóa án tích. Cũng từ đó, bản án năm xưa như chìm vào quên lãng, không còn ai nhớ tới. Sau khi lập gia đình, ông Thuận sống một cuộc đời lành mạnh, không hề vi phạm bất cứ quy định nào của pháp luật. Thậm chí, người đàn ông này còn giữ lối sống rất gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng của thôn, xã, tham gia công tác dân quân, làm cán bộ thôn…
Giấy chứng nhận tham gia nghĩa vụ dân quân tự vệ của ông Thuận.
Tâm thư viết tay của ông Thuận gửi lên Bộ Công an.
Cứ ngỡ những điều ấy sẽ làm xóa mờ bản án trớ trêu năm nào… nhưng không, nó vẫn luôn hiện hữu để rồi hôm nay, trở thành vật cản, khiến Quỳnh, một nữ sinh giỏi giang không thể đi đến ước mơ của mình.
Thương con, ông Thuận đã ngồi viết tâm thư dài mấy trang giấy gửi lên Bộ trưởng Bộ Công an với hy vọng trường hợp của Quỳnh sẽ được ngoại lệ.
“Trước khi Quỳnh đi thi ĐH, tầm khoảng tháng 5-6, công an huyện Chi Lăng đã cùng gia đình tiến hành quá trình thẩm tra. Tôi và cán bộ huyện đã đi lại rất nhiều nơi, về cả quê gốc của tôi ở Hoài Đức – Hà Nội để tìm hiểu về gia đình. Tôi vẫn nghĩ mọi thứ đều ổn. Cho đến khi Quỳnh biết điểm thi được 2 ngày thì chúng tôi nhận được thông báo, con không đủ tiêu chuẩn chính trị xét tuyển vào Học viện An Ninh”, ông Thuận kể.
Việc trót mua một khẩu súng C.K.C trước đây của ông Thuận hoàn toàn bắt nguồn từ sự vô tình và hết sức ngẫu nhiên. “Nên tôi rất mong Bộ Công an, trường Học viện An ninh và công an tỉnh Lạng Sơn xem xét lại trường hợp của con gái mình”, ông Thuận nói thêm.
“Công an tỉnh đã cố gắng làm tất cả mọi cách”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đường Hồng Hà, Trưởng phòng tổ chức, Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, đối với trường hợp của Quỳnh, công an tỉnh đã làm hết trách nhiệm và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Hà phân tích, Thông tư số 53 ban hành ngày 15/08/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an đã quy định rất rõ về tiêu chuẩn chính trị của người cán Bộ Công an nhân dân. Trong đó, chương 2 có quy định cụ thể các trường hợp không được tuyển vào công an nhân dân (CAND).
“Tại điều 1 của chương này có 14 điểm quy định về bản thân người CAND, trong đó điểm h có nêu rõ, không tuyển vào CAND những người bị tòa tuyên án là có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật. Bản thân em Quỳnh không vướng vào điểm này nhưng tại điều 2 của chương này có quy định về tiêu chuẩn chính trị của cha/mẹ đẻ, cha/mẹ chồng, người nuôi dưỡng bản thân… thì có lặp lại điểm h”, ông Hà lý giải.
Mặc dù có thành tích học tập…
… Và điểm thi rất đẹp nhưng Quỳnh vẫn không có đủ điều kiện dự xét tuyển vào Học viện An ninh.
Như vậy, căn cứ vào việc cha Quỳnh – ông Nguyễn Văn Thuận từng bị tòa tuyên án là có tội và bản án đã có hiệu lực thì Quỳnh mãi mãi được xem là không có đủ tiêu chuẩn chính trị dự xét tuyển vào các trường thuộc khối ngành công an, quân đội…
Giải thích về giấy xóa án tích của ông Thuận, ông Hà cho hay, việc này không có nhiều ý nghĩa trong việc xét duyệt tiêu chuẩn chính trị của Quỳnh. Theo ông Hà, tờ giấy này chỉ có mục đích là chứng thực ông Thuận đã chấp án và quá trình này đã kết thúc. Giấy xóa án tích mang nhiều giá trị dân sự, giúp người từng thi hành án hòa nhập tốt hơn với cuộc sống. Tuy nhiên, trong tờ khai lý lịch, ông Thuận vẫn là người có tiền án, tiền sự.
Ông Hà cũng cho hay, quá trình thi tuyển vào khối ngành công an, quân đội sẽ diễn ra theo 2 vòng. Vòng sơ tuyển, các thí sinh sẽ được xét duyệt về học lực, hạnh kiểm và sức khỏe. Vượt qua vòng này, các thí sinh sẽ tiến hành khai hồ sơ. Lúc này, công an tỉnh Lạnh Sơn đã cử cán bộ đi thẩm tra, xác minh tiêu chuẩn chính trị của thí sinh. Quá trình này diễn ra từ trước khi các thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia.
“Năm nay, tỉnh Lạng Sơn có 1.067 thí sinh đăng ký xét tuyển vào khối ngành công an, quân đội thì có 17 trường hợp không đủ điều kiện và em Quỳnh là một trong số đó”, ông Hà cho hay.
Theo ông Hà, mặc dù có hơn 1.000 thí sinh cần thẩm tra xác minh nhưng đến ngày 11/7 (trước ngày công bố điểm thi THPT Quốc gia), công an tỉnh Lạng Sơn đã có thông báo kết luận liên quan đến các thí sinh không đủ tiêu chuẩn chính trị. “Ngay sau đó, Hội đồng tuyển sinh Công an tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị các đơn vị kịp thời giải thích cho gia đình và thí sinh hiểu, đăng ký nguyện vọng khác”.
Ngày 24/7 (sau ngày biết điểm thi) ông Thuận viết thư gửi lên Bộ công an. Tuy nhiên, do thư đi vượt cấp nên ngày 04 và 09 tháng 8, công an tỉnh Lạng Sơn nhận được công văn từ Cục tổ chức cán bộ và đào tạo Bộ Công an yêu cầu xem xét, giải quyết trường hợp của Quỳnh.
Sau khi nhận được công văn thì đã gần áp chót ngày nhận phiếu điểm xét tuyển đợt 1. Dù thế, công an tỉnh Lạng Sơn vẫn cấp phiếu điểm cho Quỳnh đồng thời ghi rõ, trường hợp của cô đang chờ Bộ Công an xem xét, giải quyết về tiêu chuẩn chính trị. Gia đình Quỳnh đã đem phiếu điểm này đến nộp tại trường Học viện An ninh nhưng không được chấp nhận.
“Theo quy định, công an tỉnh sẽ không cấp phiếu điểm và dấu xác nhận cho những thí sinh dự khối ngành công an, quân đội không có đủ tiêu chuẩn chính trị. Tuy nhiên, trường hợp của em Quỳnh, chúng tôi đã giúp đỡ hết sức có thể. Hiện tại, em ấy có thể dự xét tuyển vào ngôi trường mơ ước của mình hay không, không thuộc thẩm quyền của tỉnh mà phải do Bộ Công an xem xét”.
Ông Hà cũng cho hay, mặc dù điểm thi của Quỳnh nhìn rất cao nhưng bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn vẫn còn rất nhiều thí sinh giỏi giang khác. Năm nay toàn tỉnh có hơn 100 thí sinh đỗ vào các trường ĐH/ Học viện thuộc khối ngành công an, quân đội. Số điểm trên 30 xuất hiện rất nhiều, có bạn còn đạt 31,75 ở cả 2 khối C và D1.
Ông Hà chia sẻ, dù rất tiếc cho Quỳnh nhưng ông cũng hy vọng, gia đình có thể đăng ký thêm nguyện vọng khác, tránh làm lỡ dở chuyện thi cử học hành của nữ sinh. Bên cạnh đó, ông cũng mong trong thời gian này Bộ Công an sẽ xem xét và sớm có kết luận về trường hợp của nữ sinh.