Không chỉ làm tăng thêm hương vị và tạo màu sắc cho món ăn, nghệ còn đem lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe.
Viêm khớp là một trong những bệnh lý về khớp phổ biến ở trung niên và người già. Đầu gối thường là nơi đầu tiên bị tác động bởi căn bệnh này. Một nghiên cứu đã cho thấy, có 10% đàn ông và 13% phụ nữ trên 60 tuổi có triệu chứng viêm khớp đầu gối.
Những cơn đau khớp có thể khiến người bệnh di chuyển khó khăn hoặc gần như không thể đi lại. Thuốc có thể giúp bệnh nhân giảm đau, nhưng đôi khi cũng đi kèm với tác dụng phụ như tổn thương thận hoặc các vấn đề tim mạch.
Một số nghiên cứu gần đây đã phát hiện nghệ có thể làm giảm đau khớp. Đây là một loại gia vị rất phổ biến tại châu Á, có mặt trong bếp của hầu hết các gia đình.
“Trong nghệ có chứa curcumin – một hoạt chất có thành phần chống viêm và chống oxy hóa. Vì vậy, nó thường được sử dụng để làm thuốc bổ cho bệnh nhân viêm khớp”, bác sĩ Nagendra Gupta – hiện đang làm việc tại Texas Health Arlington Memorial Hospital – nói.
Nghệ có tác dụng chống viêm hiệu quả
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Trials đã so sánh hiệu quả của nghệ với một loại thuốc chống viêm được gọi là diclofenac.
Có 139 bệnh nhân viêm khớp gối đã tham gia thử nghiệm ngẫu nhiên này. Họ được cho uống viên nhộng curcumin 500 mg 3 lần/ngày, hoặc 50 mg diclofenac 2 viên/ngày. Kết quả là cả hai nhóm đều giảm đau rõ rệt.
“Curcumin trong nghệ có tác dụng tương đương diclofenac nhưng thể hiện khả năng dung nạp tốt hơn ở các bệnh nhân viêm khớp gối. Curcumin có thể được chọn để điều trị thay thế cho những bệnh nhân viêm khớp gối, nếu họ gặp phải tác dụng phụ từ các loại thuốc chống viêm không steroid”, tác giả nghiên cứu viết.
Một nghiên cứu khác trên tạp chí Annals of Internal Medicine cũng cho thấy nghệ có tác dụng giảm đau khớp hiệu quả hơn giả dược.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Australia ở Tasmania đã cho 70 bệnh nhân viêm khớp khối sử dụng 1000 mg mỗi ngày hoặc giả dược. Sau 12 tuần, kết quả cho thấy sản phẩm chiết xuất từ nghệ giúp bệnh nhân giảm đau viêm khớp gối hiệu quả hơn giả dược.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh kết quả này cần được nghiên cứu thêm. Ngoài ra, hạn chế của nghiên cứu trên là số lượng người tham gia còn ít.
Nên sử dụng bột nghệ hay chiết xuất nghệ để đạt hiệu quả tốt nhất?
Nghệ là một thứ gia vị được sử dụng thường xuyên trong ẩm thực châu Á. Mọi người dùng nghệ trong món cà ri, hoặc để tạo màu vàng hoặc cam nhạt cho thịt và cơm. Đây cũng là bài thuốc phổ biến trong nền y học cổ truyền Ayurvedic của người Ấn Độ.
Nghệ có chứa curcumin – một hoạt chất đã được khoa học khẳng định là “đem lại một loạt các đặc tính có lợi cho sức khỏe”. Bên cạnh đó, với nguồn gốc thiên nhiên, nó không độc hại và có tác dụng phụ như nhiều loại thuốc khác.
Các chuyên gia cho rằng, với những lợi ích mà nghệ mang lại, việc sử dụng trong bữa ăn sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất. Kết hợp nghệ với các loại chất béo và dầu có thể cải thiện quá trình hấp thụ.
“Nghệ chứa rất nhiều curcumin – một dưỡng chất thực vật tốt cho sức khỏe. Vì vậy, kết hợp nghệ trong bữa ăn sẽ góp phần xây dựng lối sống tổng thể lành mạnh”. Reema Kanda – chuyên gia dinh dưỡng tại Viện Xương khớp Hoag (Mỹ) – cho biết.
Theo Kanda, chất lượng của bột nghệ cũng ảnh hưởng đến sinh khả dụng (tốc độ và mức độ hấp thu của một dược chất hoặc nhóm chất có tác dụng vào tuần hoàn chung và sẵn có ở nơi tác động).
“Bạn cần đảm bảo bột nghệ mà bạn sử dụng không chứa các chất phụ gia thường thấy trong quá trình làm bột”.
Bà cũng bổ sung thêm rằng nhiều nghiên cứu đã sử dụng chiết xuất nghệ thay cho bột nghệ vì nó có hàm lượng curcumin cao hơn. Vì thế, “các nghiên cứu khuyến khích sử dụng chiết xuất nghệ trong quá trình điều trị, chẳng hạn như đối với bệnh viêm khớp”.
Cần chú ý liều lượng khi sử dụng nghệ
Nghệ có tác dụng giảm đau viêm khớp, nhưng bạn cần chú ý đến liều lượng khi sử dụng. Nhiều người đã gặp phải các triệu chứng như đau đầu, tiêu chảy và nổi mẩn khi sử dụng trên 4.000 mg nghệ.
Nghệ cũng rất giàu oxalat. Chất này nếu sử dụng với liều lượng lớn có thể tích tụ canxi gây sỏi thận.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nghệ còn có tác dụng chống đông máu mạnh, có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thuốc chống đông máu trong cơ thể.
Do đó, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bột nghệ và các chiết xuất từ nghệ để điều trị bệnh.
Theo trí thức trẻ